Hóa đơn có phải là chứng từ thuế không?

Dạo gần đây có nhiều bạn thắc mắc Hóa Đơn có phải chứng từ thuế không?

Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết chúng ta cần xác định rõ Kế Toán và Thuế là hai khía cạnh khác nhau trong phòng Tài Chính. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Thuế và Kế Toán hoạt động độc lập và tách biệt mà sẽ có những liên kết chặt chẽ. Số liệu, cách hạch toán Kế Toán sẽ là nền tảng cơ sở để xác định số tiền Thuế phải nộp của doanh nghiệp. Kế Toán và Thuế tuân thủ theo 2 hành lang pháp lý khác nhau.

Kế Toán sẽ tuân theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán của mỗi quốc gia nơi doanh nghiệp đang hoạt động. Ví dụ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tuân theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, gọi là VAS- Vietnamese Accounting Standard, doanh nghiệp Châu Âu sẽ theo IFRS -  International Financial Reporting Standards và doanh nghiệp Mỹ thì theo US GAAP - US Generally Accepted Accounting Principles. Mình giải thích chỗ này một chút để các bạn hiểu hơn về chuẩn mực kế toán đang được áp dụng trong thực tiễn. Hiện nay Những doanh nghiệp FDI - có vốn chủ sở hữu nước ngoài khi thành lập tại Việt Nam ngoài đảm bảo hệ thống kế toán của doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định nội địa của VAS để chuẩn bị báo cáo tài chính, còn phải đảm bảo theo IFRS hoặc US GAAP để đảm bảo công ty mẹ tại nước ngoài có thể hợp nhất báo cáo tài chính của công ty con tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đang trong lộ trình chuyển đổi từ VAS sang IFRS để bắt kịp xu hướng toàn cầu hóa, đảm bảo tính thống nhất, minh bạch thông tin và có thể so sánh báo cáo tài chính trên toàn thế giới, dự định đến năm 2025 việc áp dụng IFRS sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc. Đây là một bước tiến rất đáng hoan nghênh để thực hiện tầm nhìn tạo ra ngôn ngữ kế toán chung trong khuôn khổ quốc tế, thay vì nội địa đơn thuần. 

Thuế sẽ tuân theo các quy định chính sách pháp luật về thuế. Doanh nghiệp được thành lập tại quốc gia nào sẽ phải thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế của quy định nội luật của quốc gia đó. Đối với các công ty đa quốc gia, có thể xin áp dụng quy định, điều ước quốc tế để tránh bị đánh thuế trùng 2 lần cho những trường hợp cụ thể được quy định trong luật quốc tế mà Việt Nam là nước ký kết thành viên.  

Vậy Hóa đơn thì được quy định như thế nào?

Theo Luật Kế Toán 88/2015/QH13
“Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Còn cụ thể về việc in, phát hành, sử dụng hóa đơn được hướng dẫn chi tiết trong các Nghị Định, Thông Tư riêng về Hóa Đơn, ví dụ Nghị định 51/2010/NĐ-CP – Quy định về hóa đơn bán hàng và dịch vụ và các Thông tư hướng dẫn chi tiết 39/2014/TT-BTC có hiệu lực đến 30/6/2022.

Như vậy hóa đơn là chứng từ kế toán, không phải chứng từ thuế.

Từ góc nhìn thực tiễn, hóa đơn gắn liền với việc hạch toán doanh thu (khi doanh nghiệp bán hàng, xuất hóa đơn đầu ra cho khách hàng), chi phí (khi mua hàng, nhận hóa đơn từ nhà cung cấp), quy trình thanh toán của kế toán. Doanh nghiệp có cơ cấu tổ chức chặt chẽ thường để việc quản lý kiểm soát hóa đơn ngay tại những early step – bước đầu tiên trong việc xác minh thông tin giao dịch để đảm bảo hạch toán kế toán chính xác với giao dịch thực tế phát sinh, chứng từ kế toán có liên quan (bao gồm cả hóa đơn, phiếu thu, phiếu chi, phiếu xuất kho, phiếu yêu cầu thanh toán, v..v.) và tài liệu kèm theo chứng từ kế toán (ví dụ, hợp đồng, chứng từ thanh toán qua ngân hàng, hồ sơ dự án đầu tư, đấu thầu, v…v…). Tiếp theo, dựa trên hạch toán kế toán và các tài liệu kế toán này, sẽ xác định số thuế tương ứng phải kê khai và nộp cho cơ quan thuế. Vậy nên, hóa đơn là điểm giao mà cả Kế Toán và Thuế đều cần nắm chắc quy định pháp luật. Việc hiểu rõ về cách thức hạch toán kế toán, tài liệu kế toán bao gồm hóa đơn sẽ hỗ trợ cho công việc của các bạn làm thuế rất nhiều. Còn các bạn kế toán viên thì hãy trang bị cho mình kiến thức vững chắc về hóa đơn bởi đây chính là chứng từ kế toán hết sức quan trọng nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *