Chủ động: Bạn được gì ? Mất gì?

Xin chào các độc giả của The Sharing Town!

Đã lâu The Sharing Town mới có dịp quay trở lại để chia sẻ suy nghĩ của bản thân với mọi người. Sự ngắt quãng thời gian qua phần nhiều do lịch trình làm việc, học tập của mình khá bận rộn. Ngoài ra mình cũng muốn có thêm 1 khoản thời gian lắng đọng để tự chiêm nghiệm lại trước khi chia sẻ bất cứ điều gì ra ngoài. Và chủ đề mình chọn để come back ngày hôm nay là “Chủ Động: Bạn được gì? Mất gì?”

Mình tin rằng trong suốt quá trình đi học, đi làm, các bạn đã được nghe rất nhiều lời khuyên : Muốn thành công thì bạn phải chủ động. Bạn muốn làm học bá ở trường, thì việc chủ động đọc bài trước, làm bài tập, nghiên cứu tài liệu tham khảo chuyên sâu, trao đổi thầy cô, bạn bè, v...v đó đều là những bước quy chuẩn mà bạn đã được dạy, được khuyên nếu muốn điểm số cao. Nếu bạn muốn đạt thành tích tốt trong công việc, được Sếp đánh giá cao để tăng lương, tăng thưởng thì chủ động chính là yếu tố tiên quyết. Chỉ cần google từ khóa "chủ động" bạn sẽ thấy ngay 368,000,000 kết quả khác nhau: chủ động là gì? làm sao để chủ động trong cuộc sống, công việc? vì sao Sếp thích nhân viên chủ động, v...v... Thật ra không cần phải đọc hết các kết quả google cũng có thể vô thức nhận ra Chủ động sẽ có tạo kết quả tích cực cho bạn dù là trong cuộc sống cá nhân, hay công việc. Nhưng tại sao không phải ai cũng chủ động dẫu rằng họ muốn có kết quả tốt? Cá nhân mình muốn tiếp cận dưới góc phân tích: Bạn được gì và mất gì khi chủ động dựa trên quan sát thực tiễn của bản thân.
Mình từng nhớ có một cậu em từng đặt ra yêu cầu: "Các anh chị có thể training em hết tất cả những gì cần làm một lúc không, em sẽ cứ theo đó là làm thôi". Yêu cầu này đặt trong bối cảnh cậu ấy là fresh graduate vừa tham gia công ty, và cảm thấy choáng ngợp có phần bực tức khi mỗi lần tiếp xúc là một điều mới chưa biết. Cậu tức giận vì lần trước anh chị chỉ dạy em A,B,C, còn lần này để làm được việc phải cần D, E, F. Sao không chỉ em luôn ngay từ đầu A, B, C, D, E, F để em đỡ mất công làm và thất bại? 
Điều này làm mình nhớ đến mong ước của mình hồi còn nhỏ: phải chi mình có thể hiểu hết những thầy cô dạy ngay tại lúc học và có thể ứng dụng ngay nhỉ? Mong ước của mình và cậu em ấy khác nhau ở chỗ cậu ấy đặt yêu cầu ở chỗ người training như phần nguyên nhân trọng tâm để có kết quả như muốn, và mình thì đặt yêu cầu cho bản thân hiểu hết những điều thầy cô nói. Tuy nhiên, cả 2 giống nhau ở chỗ là muốn nắm chắc những điều được dạy để áp dụng ngay và tránh sai lầm. Nếu bạn từng có suy nghĩ giống mình hoặc cậu em ấy thì đừng lo lắng, vì bạn không phải là người duy nhất mong muốn như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cần thẳng thừng thừa nhận với nhau: mong muốn ấy là viễn vông.  Vì sao ư? Vì mình thấy nhiều lúc giáo sư/tiến sĩ/ chuyên gia giảng dạy một vấn đề cũng chưa chắc hiểu hết toàn bộ huống chi là chúng ta :)) Còn mình nhiều điều học từ cấp 3 nhưng đến khi đại học, thạc sĩ thì mới vỡ lẽ hơn đôi chút dù điểm thi thì vẫn cao, nhưng không có nghĩa là mình hiểu. Rồi cậu em ấy có bị nhầm giữa D, E, F với A1, B1, C1 không? Thực ra đó những điều đó đã được training rồi, nay thực tế công việc biến tướng đôi chút, chứ không phải khái niệm hoàn toàn mới. Vì vậy, hãy quẳng đi những mơ ước đó cho nhẹ lòng nhé !!!

Từ đó, muốn hiểu một vấn đề gì để áp dụng thành công hơn đòi hỏi một quá trình học tập, tìm hiểu sâu sắc, thử đúng, sai, làm lại liên tục để đúc kết kinh nghiệm. Cả một quá trình này ai sẽ là người làm đây? Là thầy cô, là Sếp hay là chính bạn? Hay để mình đặt vấn đề khác một chút. Trong suốt quá trình này ai là nhân vật trung tâm, ai là nhân vật phụ, quần chúng? Nếu không chủ động trong chính cuộc sống, công việc bản thân, liệu rằng ta đã tự để mất vai trò trung tâm, ngôi sao của chính ta không? Không ai muốn đóng vai phụ trong chính cuộn phim đời mình cả.

Ở trên là sự mất của sự không chủ động. Vậy ngay cả khi chủ động rồi thì mình có bị mất gì không? Mình có đọc 1 tình huống rất hay trong cuốn sách "Đúng việc" của tác giả Giản Tư Trung, muốn chia sẻ với các bạn: 

“Hãy thử tưởng tượng bạn đang làm việc cho một công ty. Bạn xứng đáng với mức lương 10 đồng, nhưng công ty của bạn chỉ trả cho bạn mức lương 5 đồng. Trong tình huống đó, nếu không thích thì bạn sẽ không nhận làm và như vậy hông có gì phải bàn tiếp. Nhưng nếu bạn nhận làm thì bạn sẽ làm việc theo kiểu….mấy đồng?

  • Đáp án a: Kiểu 5 đồng
  • Đáp án b: Kiểu 10 đồng
  • Đáp án c: Kiểu 15 đồng
  • Đáp án d: Kiểu 2,5 đồng
  • Đáp án e: kiểu 1,5 đồng

Bạn sẽ chọn đáp án nào?

Lẽ thường tình, bạn sẽ phải tính toán thiệt hơn, được mất rồi mới chọn.
Những người làm kiểu 5 đồng, 2,5 đồng và 1,5 đồng sẽ nghĩ gì về những người làm theo kiểu 10 đồng và 15 đồng? Đồ điên! Ngu! Không hiểu nổi!…Còn những người làm theo kiểu 10 đồng và 15 đồng sẽ nghĩ gì về những người làm theo kiểu 5 đồng, 2,5 đồng và 1,5 đồng? Có lẽ họ sẽ không nghĩ gì nhiều, không coi thường, cũng không thương hại, có lẽ họ chỉ thầm tự hào về mình thôi. Bởi lẽ, có khi ngày trước mình cũng thế. Mình chỉ may mắn là nhận ra một số điều sớm hơn những người kia một chút, và nhờ đó, thái độ sống và thái độ làm của mình khác đi.”

Thái độ sống và thái độ làm của người làm việc theo kiểu 10 đồng và 15 đồng chính là thái độ CHỦ ĐỘNG. Mình có gặp một người anh trong công việc, anh từng là trưởng phòng Sale rồi ra mở doanh nghiệp riêng, sau đó quay về lại làm cho môi trường doanh nghiệp với chức danh Head of Sale. Anh từng nói một câu mình rất ấn tượng: Anh làm thuê với tâm thế của người làm chủ. Lúc đó, mình chưa hiểu rõ lắm, nhưng sau khi đọc tình huống của tác giả Giản Tư Trung ở trên mình ngộ ra một điều: anh là kiểu người chọn đáp án c – Kiểu 15 đồng. Vậy cái “sự mất” của “sự chủ động” của anh là gì : anh để mất cơ hội hòa vốn hoặc ăn lời từ công ty do đã từ bỏ lựa chọn làm việc theo kiểu 5 đồng, 2,5 đồng hay 1,5 đồng. Vậy cái được của anh là gì? Anh được tự do lựa chọn, được vùng vẫy ở cả những vùng trời rộng lớn khác khi làm chủ doanh nghiệp, sau đó được chào đón khi quay lại môi trường công sở.

Để làm rõ thêm cái được, cái mất của chủ động. Mình chia sẻ thêm một trích đoạn trong cuốn sách “Đúng việc” mà mình khá thích. “Tại sao cơ hội đến với người ta quá nhiều, còn mình thì bói một cơ hội cũng không có? Cụ thể, trong năm loại người với năm thái độ làm việc nói trên (15 đồng, 10 đồng, 5 đồng, 2,5 đồng và 1,5 đồng) thì cơ hội sẽ đến với ai nhiều nhất? Chắc hẳn, những cơ hội tốt nhất sẽ đến với loại người làm theo kiểu 15 đồng, những cơ hội nào người 15 đồng chê thì sẽ lọt vào tay của những người làm việc theo kiểu 10 đồng, còn đến những người làm việc theo kiểu 5 đồng, 2,5 đồng và 1,5 đồng thì không còn “bánh nữa”, nên chỉ còn cách đi “lượm lá” thôi, vì sống kiểu đó, làm kiểu vậy thì rất khó để có cơ hội nào đáng giá và tử tế dành cho mình”.

Chiến lược Đọc Chủ Động để Hiểu Sâu Nhớ Lâu

Xuyên suốt nhiều năm học tập và làm việc, cá nhân mình nhận thấy kỹ năng đọc đóng vai trò rất quan trọng và là tiền đề cho nhiều kỹ năng khác. Không phải tự nhiên mà chúng ta có câu nói quen thuộc “đọc thông viết thạo” phải không nào. Hãy cùng nhớ lại 1 chút để xem hành trình đọc đã gắn bó với chúng ta theo thời gian như thế nào nhé!

Nhớ lại lúc tiểu học, thầy cô dạy chúng ta đọc bảng chữ cái, đọc ca dao tục ngữ, đọc đoạn văn nhỏ, rồi sau đó mới dần làm quen với triển khai ý tưởng lập luận riêng của bản thân thông qua tập làm văn. Nội dung đọc sẽ ngày càng có nhiều hàm lượng kiến thức và chiều sâu về tư duy theo từng cấp lớp và độ tuổi.

Đối với những bạn học đại học, việc làm bài tập nhóm, thuyết trình, tiểu luận là những “đặc sản” mà bất kỳ sinh viên nào cũng được nếm trải trước khi chính thức “gặt hái” được tấm bằng tốt nghiệp. Và nguyên liệu để tạo thành những “đặc sản” này không gì khác hơn đọc nhiều tài liệu giáo trình, tài liệu tham khảo mà thầy cô giáo đưa cho.

Đến khi chúng ta trưởng thành đi làm, công việc có yêu cầu chúng ta phải đọc nhiều như thời đi học không? Đối với một người làm việc trong lĩnh vực tư vấn luật thuế như mình, câu trả lời là Có. Không những phải đọc mà là còn phải đọc rất nhiều. Tuy nhiên ở giai đoạn này hầu như sẽ không còn thầy cô bên cạnh để chỉ dạy chúng ta cần đọc cái gì, đọc như thế nào để hiệu quả. Vì vậy, sau nhiều năm tự tìm tòi, quan sát và đúc kết từ kinh nghiệm bản thân, The Sharing Town xin chia sẻ chiến lược Đọc Chủ Động để Hiểu Sâu và Nhớ Lâu hơn. Hãy cùng theo dõi chi tiết bên dưới nhé!

1. Reading Skill không chỉ nằm gói gọn trong kỳ thi IELTS

Trước tiên mình muốn làm rõ 1 chút về việc Đọc tiếng Anh và Đọc tiếng Việt. Nhiều bạn sinh viên khi được hỏi về kỹ năng đọc sẽ nghĩ ngay đến Reading Skill trong kỳ thi tiếng anh IELTS. Thế còn việc đọc Tiếng Việt có cần rèn luyện kỹ năng đọc hay không? Cá nhân mình tin rằng là Có, đặc biệt là cho những bạn muốn tiếp tục học lên cao học hoặc theo đuổi những ngành nghề tư vấn về luật. Có nhiều lúc mình đọc văn bản luật hoặc giáo trình học thuật bằng ngôn ngữ mẹ đẻ - Tiếng Việt, mình cũng gặp khó khăn trong việc nắm bắt nội dung của bài đọc và nhanh chóng quên mất nó sau vài ngày. Chính vì vậy, mình muốn xây dựng 1 chiến lược đọc cho cả việc đọc Tiếng Anh và Tiếng Việt để áp dụng trong học tập và công việc tìm hiểu luật hàng ngày. Và trong bài viết ngày hôm nay, The Sharing Town sẽ chia sẻ với các bạn về chiến lược này.

2. Chiến lược Đọc Chủ Động

Theo mình 1 quá trình Đọc Chủ Động sẽ đi qua 4 giai đoạn chính như sau:

Target – Read Details – Summary – Reflection

B1: Xác định mục tiêu

Đầu tiên, mình cần xác định Target của mình là gì để giới hạn phạm vi, tài liệu mình sẽ đọc. Điều này xác định khá dễ dàng khi bạn đi học vì thầy cô giáo sẽ giúp bạn làm điều này. Khi ra đề tài tiểu luận, thầy cô sẽ cho danh sách các tài liệu bao gồm sách giáo trình và tài liệu tham khảo để bạn có thể đọc. Tuy nhiên khi đi làm, không có ai chỉ cho bạn điều này cả. Chính bạn phải xác định đề bài mình cần tìm hiểu là gì, và chọn lọc những tài liệu bạn cần đọc.

Đôi khi có thể là mục tiêu ngắn hạn như tôi cần biết “chính sách giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp mùa Covid có áp dụng cho doanh nghiệp của tôi không?” hoặc dự án dài hơi “đánh giá phong trào phát triển nữ quyền tại khu vực Đông Nam Á”. Mỗi mục tiêu có deadline dài ngắn, độ quy mô, tính phức tạp chủ đề cần tìm hiểu khác nhau. Do đó, hãy lên kế hoạch để phân bổ thời gian đọc, viết, chỉnh sửa, và báo cáo kết quả cho Sếp hoặc Giảng Viên phù hợp.

Đối với những mục tiêu ngắn, mình thường sẽ đọc tập trung trong vòng 1-2 tiếng để tìm thông tin giải đáp cho câu hỏi. Đối với mục tiêu dài thời gian, mình sẽ phân bổ mỗi ngày đọc tầm 20-40 phút. Và trước khi đọc mình sẽ break đề tài thành nhiều câu hỏi nhỏ để tập trung đọc và sàn lọc những thông tin có liên quan đến câu hỏi cần giải đáp.

Ví dụ: Đối với : Chính sách Hỗ Trợ Giảm Thuế cho Doanh Nghiệp Mùa Covid

  • Chính sách ban hành văn bản pháp luật nào? Thời gian hiệu lực?
  • Áp dụng cho loại thuế nào (i.e. Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế Thu Nhập Cá Nhân, hay Thuế Giá Trị Gia Tăng). Giảm thuế suất hay giảm số tiền tuyệt đối
  • Đối tượng được giảm là ai? Điều kiện là gì?
  • Doanh nghiệp của tôi thuộc trường hợp giảm thuế nào? Cần làm thủ tục gì?
  • Có thể đối chiếu hoặc bổ sung với nguồn thông tin tin cậy nào khác?

Ví dụ: Đối với : Đánh giá phong trào phát triển nữ quyền tại khu vực Đông Nam Á

  • Định nghĩa phong trào nữ quyền?
  • Gồm hình thức nào? Ai là những nhân vật tiêu biểu?
  • Các giai đoạn phát triển phong trào nữ quyền?
  • Phong trào nữ quyền ở Việt Nam giống và khác các quốc gia Đông Nam Á khác như thế nào,v…v…

Sau này, chính những câu hỏi này sẽ giúp các bạn structure bài báo cáo một cách mạch lạc và có trọng tâm.

B2: Đọc thông tin chi tiết

Khi đọc thông tin chi tiết, cố gắng đọc nhanh liên tục đừng bị gián đoạn để tra nghĩa của từ mới hoặc từ nguyên ngành. Khi đọc hãy nhớ về những câu hỏi mình đặt ra ban đầu để tìm kiếm thông tin có liên quan hoặc kiểm tra xem thông tin chi tiết có khác với dự đoán ban đầu của mình không. Để giúp việc đọc nhanh, các bạn có thể tạo một số quy tắc để ghi chú nhanh. Đừng tạo quá nhiều quy tắc, dẫn đến sử dụng trộn lẫn, khó phân biệt các ý cần quan tâm. Bên dưới là bộ quy tắc của mình:

??? Đoạn này mình không hiểu
!!! Thông tin gây ngạc nhiên
*** Thông tin quan trọng
Đóng khung từ: Từ quan trọng/ Key word/ Ý chính
Khoanh tròn từ: Từ vựng chưa hiểu
Gạch chân: Thông tin chi tiết giải thích cho ý chính

Sau khi đọc 1 lượt nhanh và đánh dấu theo quy tắc trên, có thể đọc lại lần nữa kỹ hơn và tra cứu những từ vựng, hoặc thông tin chưa hiểu.

B3: Tóm Tắt

Mình đã thấy rất nhiều lần khi tóm tắt hầu hết mọi người sẽ copy và paste những diễn giải của bài đọc. Đó là lời văn của tác giả, không phải của bạn. Văn phong của mỗi người sẽ khác nhau. Nếu bạn dùng văn phong của người khác để diễn đạt sẽ rất dễ bị nói ngượng và lắp bắp. Hãy cố gắng dùng ngôn ngữ văn phong của bản thân để tóm tắt sẽ giúp bạn nhớ vấn đề lâu hơn. Ngoài ra, khi mình học thạc sĩ tại Đức, các giáo sư đều bắt sinh viên phải tóm tắt chỉ trong 1 câu duy nhất. Ban đầu mình gặp khó khăn và cảm thấy không thể nào tóm tắt nội dung nhiều như vậy chỉ trong 1 câu được. Nhưng sau một thời gian trải nghiệm, mình thấy cách này rất hiệu quả đặc biệt cho quá trình làm slide thuyết trình hoặc báo cáo cho Sếp sau này. Những câu tóm tắt này sẽ chính là Heading của Slide hoặc Email. Hãy tưởng tượng một ngày nào đó mình lên vị trí Sếp cấp cao rất bận rộn, nếu như nhân viên có thể diễn đạt thẳng trọng tâm vấn đề ngắn gọn, súc tích, mình sẽ cảm thấy appreciate biết bao nhiêu. Vậy nên, hãy làm điều này để luyện khả năng diễn đạt có trọng tâm, rõ ràng, nhằm tiết kiệm thời gian cho Sếp và giải quyết vấn đề hiệu quả nhé.

B4: Reflection

Cá nhân mình đánh giá đây là bước quan trọng nhất để bạn tạo ra sự khác biệt – Hiểu Sâu và Nhớ Lâu vấn đề hơn. Mình có tham gia một khóa học online của University of Pennsylvania, có ba cách Reflection rất hay mà mình muốn chia sẻ với các bạn.

  • Text to Self: Đó là tự hỏi bản thân những nội dung bạn vừa đọc có mối liên kết với cuộc sống bản thân bạn như thế nào?
  • Text to Text: Kiểm tra nội dung này có khiến bạn liên tưởng đến tài liệu khác mà bạn đã từng đọc hoặc nghe trước đây không. Đây là cách tuyệt vời giúp bạn xâu chuỗi các thông tin từ các nguồn lại với nhau. Tuyệt hơn nữa là sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều khi phải viết tiểu luận, luận án thạc sĩ, tiến sĩ.
  • Text to World: Nội dung bài đọc có liên kết như thế nào đến cộng đồng địa phương nơi bạn sinh sống, đất nước của bạn hoặc khu vực trên thế giới bạn đang quan tâm.

Mình rất thích cách tiếp cận vấn đề bằng Reflection như thế này. Nó giúp mình giải đáp khúc mắc bấy lâu nay trong việc phát triển suy nghĩ bản thân về bài đọc, là một bước luyện critical thinking. Nếu như trước đây mình chỉ đọc một cách bị động chỉ để tiếp nhận thông tin, thì Reflection giúp mình chủ động nhìn nhận góc nhìn của tác giả bài đọc, phản ánh liên kết với góc nhìn cá nhân mình, giúp mình quen dần với việc đưa ra quan điểm bản thân, hiểu sâu và nhớ lâu vấn đề hơn.

3. Sharing quan điểm của bạn

Ban đầu mình định đặt mục Sharing ở bước thứ 5. Tuy nhiên vì tính chất đặc biệt của Sharing mà mình muốn dành hẳn một mục riêng cho nó. Mình lập The Sharing Town với mong mốn là trước hết là giúp bản thân hoàn thiện làm chủ kiến thức, cuộc sống tốt hơn, và đồng thời kết nối với những người like-minded. Thông qua quá trình soạn bài viết, làm video, mình có thể hệ thống xâu chuỗi lại những kiến thức và trải nghiệm của mình một cách rõ ràng và rèn luyện tư duy có chiều sâu hơn. Mình rất vui vì The Sharing Town ít nhiều được sự quan tâm của các bạn đọc giả. Mình nhận được lời mời kết nối trên Linkedin, Facebook và có cơ hội trò chuyện với những người bạn mới tài giỏi và thú vị. Điều này là động lực rất lớn đối với mình. Mình cười nhiều hơn, hạnh phúc hơn vì mình cảm nhận mình đang trở thành 1 công dân tích cực và hữu ích cho cộng đồng. Mỗi một người trong chúng ta có những cách sharing khác nhau. Có thể là viết blog, hay làm speaker, hay tham gia workshop, hoặc đơn giản comment, chia sẻ những nhận xét của bạn cũng đóng góp giá trị cho sự phát triển của nhau. Hãy cùng chung tay chia sẻ và hỗ trợ nhau phát triển và hoàn thiện hơn nhé!

Học rộng hay học sâu?

Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân mình nên tích lũy kiến thức và kỹ năng theo hướng chuyên sâu hay mở rộng?
Chiến lược tiếp cận nào là phù hợp để mình có thể đạt được mục tiêu mong muốn? Có khi nào bạn cảm thấy bản thân đang bị tách ra khỏi “hội nghị bàn tròn” nếu chủ đề thảo luận không thuộc lĩnh vực chuyên môn của bạn không?

Bản thân mình đã tự vấn bản thân những vấn đề trên rất nhiều lần. Vậy thì lời giải đáp cho những thắc mắc trên của bản thân mình là gì? Hãy cùng tìm hiểu với mình tiếp theo sau nhé!

Trước khi lựa chọn chiến lược tiếp cận phù hợp, mình cần làm rõ mục tiêu của bản thân là gì? Mục tiêu ở đây có thể là chuyên ngành học hoặc nghề nghiệp mình muốn theo đuổi sau khi tốt nghiệp, hoặc chức vụ mình muốn đạt được là gì sau 3 hay 5 năm? Và một điều quan trọng nữa mình nhận thấy là mục tiêu của bản thân mình sẽ thay đổi qua những giai đoạn khác nhau trong cuộc sống. Cụ thể, ở giai đoạn vừa tốt nghiệp cấp 3, mục tiêu của mình là xác định ngành học tài chính hay quản trị kinh doanh? Đến lúc ra trường thì sẽ chọn nghề nghiệp nào tư vấn tài chính, môi giới chứng khoán, kiểm toán, hay tư vấn thuế, rồi mục tiêu của mình là làm cho công ty cung cấp dịch vụ (professional firm) hay công ty inhouse, hay cơ quan nhà nước. Sau khi làm việc 4-5 năm, mình muốn làm vị trí trưởng phòng và tiếp tục thăng tiến xa hơn sau đó.

Mình tin rằng nhiều bạn cũng trải qua những thắc mắc tương tự trong cuộc sống dẫu rằng sự lựa chọn của các bạn có thể rất khác nhau. Tại những thời điểm đó, mình chưa nhận thức được mọi thứ một cách rõ ràng, chỉ lờ mờ cảm nhận có một sự biến chuyển trong nhận thức mọi người về chuyên môn hóa. Theo quan sát của cá nhân mình, thời điểm cách đây hơn 10 năm là thời kỳ nở rộ của "chuyên môn hóa". Lúc đó, việc cái gì cũng biết một ít, nhưng không chuyên cái gì hết bắt đầu bị "knock out" bởi xu hướng chuyên môn hóa do những hiệu quả về mặt thời gian công sức mà chuyên môn hóa mang lại. Ở nội dung của bài viết này, mình gắn sự "chuyên môn hóa" với "học sâu" để đi vào phân tích góc nhìn bản thân mình. Cụ thể tại thời điểm đó, đa phần trường đại học hướng đến cho sinh viên chọn chuyên ngành ngay từ lúc đăng ký, chỉ có trường đại học Kinh tế Tp.HCM ("UEH") cho phép sinh viên tham gia chọn ngành học sau 1,5 năm giai đoạn đại cương. Về điểm này mình đánh giá cao UEH đã cho phép sinh viên cọ xát và có thời gian tiếp cận trước khi chọn lựa ngành học mong muốn chính xác và đây cũng là một trong những nguyên nhân mình chọn UEH để theo học. 

Theo quan điểm cá nhân của mình, học chuyên sâu một lĩnh vực không có gì là sai, và việc coi trọng chuyên môn hóa là một bước đi hợp với thời điểm hoàn cảnh xã hội kinh tế tại thời điểm đó. Hơn nữa ai cũng cần hiểu biết sâu một lĩnh vực ở mức độ này hay mức độ khác, vào lúc này hoặc lúc khác. Ví dụ, mình học chuyên ngành tài chính thì chắc chắn mình sẽ cần học rất sâu những kiến thức và bộ kỹ năng về lĩnh vực tài chính từ rất sớm khi vẫn còn ngồi giảng đường đại học cho đến những năm ngấp nghé vị trí quản lý nhóm (mình tạm chia đây là giai đoạn từ tầm tuổi 20 đến 30 tuổi), nhưng một bạn sinh viên học quản trị kinh doanh hoặc bạn làm ngành sales thì lượng chuyên môn sâu về quản trị sẽ được tích lũy ở giai đoạn tầm tuổi từ 30 trở lên. Trước đó, kỹ năng và kiến thức các bạn học quản trị sẽ trải rộng hơn rất nhiều so với các bạn học chuyên ngành tài chính như mình. 

Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chỉ học sâu ở một giai đoạn cố định mà chuyển qua hoàn toàn học dàn trải. Yếu tố quan trọng là mức độ sâu ở từng thời điểm. Cá nhân mình giai đoạn hiện tại đang ở vị trí quản lý và tiếp tục đào sâu vào chuyên môn nhiều hơn nữa. Tuy nhiên cách mình tiếp cận chuyên môn ở giai đoạn này không giống với thời sinh viên nữa. Mình học sâu thông qua tìm hiểu mối liên kết với những khía cạnh khác, và không chỉ đơn thuần chuyển sang học rộng dàn trải mà mình phát triển chiến lược là HIỂU SÂU- BIẾT RỘNG. 

Khi đã có tiền đề suy nghĩ về chiến lược này, mình bắt đầu search sách và thông tin trên mạng và đã mình đã tìm được cuốn sách rất hay "Hiểu sâu - Biết rộng Kiểu gì cũng thắng" của David Epstein. Mình rất thích cuốn sách này và tìm thấy rất nhiều lời giải đáp cho các thắc mắc của bản thân và rất relevant với chủ đề Học rộng hay học sâu mà mình quan tâm. Cuốn sách đưa ra 2 hình mẫu thành công để phân tích là Tiger Woods - một vận động viên golf thành công nhất mọi thời đại và Roger Federer - vận động viên quần vợt người Thụy Sĩ được gọi với biệt danh là Tàu tốc hành. Cả hai đều là những người thành công xuất chúng nhưng câu chuyện đi đến thành công của họ hoàn toàn rất khác xa nhau. Nếu như Tiger Wood là người được chọn cho golf từ tuổi lên ba và bắt đầu luyện tập có chủ đích theo sự huấn luyện bài bản chuyên nghiệp còn Roger Federer lại trải qua giai đoạn thử nghiệm nhiều môn thể thao khác nhau, sau khi khám phá được năng lực và thiên hướng của mình, mới huy động tối đa sức lực để tập luyện chuyên sâu một lĩnh vực. 

Câu chuyện Tiger Wood đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người và từ đó nhiều khóa huấn luyện về luyện tập chuyên sâu có chủ đích được áp dụng một cách rộng rãi. Thậm chí có nhiều bậc cha mẹ, nhà khoa học đã áp dụng để đào tạo con cái mình thành thiên tài ngay từ lúc nhỏ. Nếu các bạn đã đọc "Em phải đến Hardvard học kinh tế" của Lưu Vệ Hoa và Trương Hán Vũ, bạn sẽ thấy mẹ và cha dượng của cô bé Lưu Diệc Đình - "cô gái Harvard" - thần tượng học tập của giới trẻ Trung Quốc cũng áp dụng luyện tập chuyên sâu có chủ đích để đạt được mục tiêu vào học trường Harvard. Tuy nhiên, trên thế giới này có bao người có mấy người có đủ điều kiện về yếu tố môi trường gia đình, xã hội để tiếp cận chiến lược có chủ đích giống như cách của Tiger Wood hay Lưu Diệc Đình. Tác giả cuốn sách Hiểu Sâu Biết Rộng Kiểu Gì Cũng Thắng của David Epstein đưa ra 1 góc nhìn mà mình rất tâm đắc - phần lớn chúng ta sẽ gần với câu chuyện của Roger Federer hơn là Tiger Wood. Và chúng ta có thể học từ câu chuyện của Roger Federer để có một cách chiến lược phù hợp với bản thân hơn. 

Câu chuyện của họ không chỉ áp dụng ở lĩnh vực thể thao mà còn có thể phù hợp với những lĩnh vực khác. Cách tiếp cận của mình là vận dụng của việc Hiểu Sâu vấn đề chuyên môn nhưng không từ bỏ cơ hội mở rộng tư duy sang Biết Rộng. Nếu bạn nào đã theo dõi The Sharing Town, chắc hẳn các bạn đã biết mình đang làm Tax Manager ở một công ty đa quốc gia với kinh nghiệm làm việc chuyên môn hơn 10 năm. Độ sâu về chuyên môn mình đã có nền tảng nhất định, tuy nhiên với mục tiêu là phát triển sự nghiệp ở international corporate environment và tinh thần entrepreneurship, mình hiểu được tầm quan trọng của Biết Rộng để không chỉ truyền đạt, kết nối, chia sẻ kiến thức chuyên môn một cách dễ hiểu cho những người không chuyên mà còn tập trung vào đúng vấn đề của người nghe cần biết. Khi làm Tax Manager của một công ty inhouse, mình không phải lúc nào cũng giao tiếp với những chuyên gia cùng ngành, người có thể dễ dàng nắm bắt nội dung thuế liên quan, mà mình sẽ tư vấn thuế cho những người không biết gì về thuế. Cách tiếp cận của non-expert cho một vấn đề sẽ rất khác với một expert như mình. Nếu không biết rộng về những kiến thức cross-industry hay cross-field mình sẽ khó lòng hoàn thành nhiệm vụ tốt.  Hơn nữa khi mình bắt đầu học nghiên cứu những lĩnh vực mới, mình nhớ được cách 1 người không chuyên tiếp cận một vấn đề mới như thế nào để cảm thông hơn khi cả 2 bên có cách nhìn quá khác biệt cho 1 vấn đề, và mình học cách giải thích, tiếp cận đơn giản, hiệu quả nhất có thể. Đó là lý do mình luôn học, học hoài, học mãi để có tư duy rộng, bổ trợ thêm nhiều góc nhìn mới bên cạnh góc nhìn chuyên môn của bản thân. Và cá nhân mình cách tiếp cận này mang lại nhiều giá trị cho công việc và đời sống cá nhân của mình. 

Ở trên là một quan điểm cá nhân của mình về học rộng hay học sâu và cách tiếp cận Hiểu Sâu - Biết Rộng. Hy vọng sẽ có thêm 1 góc nhìn để các bạn tham khảo và lựa chọn cách tiếp cận phù hợp với bối cảnh riêng của bản thân. Nếu có ý kiến chia sẻ thêm đừng ngại comment nhé. Mình còn quan tâm về chủ đề Giáo dục khai phóng, hy vọng sẽ sớm phát hành bài viết để chia sẻ thêm với các bạn! Cảm ơn các bạn rất nhiều và hẹn gặp lại trong các chủ đề tiếp theo nhé!

Kinh nghiệm tự học để phát triển bản thân

Sau 12 năm học phổ thông, 4 năm đại học, 2 năm học thạc sĩ và 2 năm học các chứng chỉ hành nghề chuyên môn, và hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực tư vấn thuế, mình nhận thấy việc học không chỉ nhất thiết phải ở ghế nhà trường mà đồng hành xuyên suốt trong cuộc sống của chúng ta.

Trên thực tế, mình vẫn đang tiếp tục học các khóa học chuyên môn, về leadership, về quản trị cuộc sống bản thân, v…v… Gần đây trong những buổi coffee talk online với những người bạn mới, mình nhận ra chủ đề “Tự Học Để Phát Triển Bản Thân” nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn. Thông qua The Sharing Town, mình muốn chia sẻ kinh nghiệm bản thân. Nếu bạn thấy hữu ích thì hãy like hoặc share để chúng ta tạo thành một cộng đồng kết nối, cùng nhau phát triển bản thân tốt hơn nha!

1. Xác định Learning Style – Phong Cách Học của bản thân

Có một thực tế là không phải ai cũng học theo một cách thức giống nhau. Để tự học hiệu quả, mình nhận thấy trước hết cần xác định Learning Style của bản thân là gì. Từ đó, mình có thể chọn lọc phương pháp học, tài liệu, tutor, lịch trình học phù hợp nhằm tối ưu hóa nhất.

Theo nghiên cứu khoa học trên thế giới, có 3 Learning Styles chính:

  • Visual
  • Auditory
  • Kinesthetic

Trong đó, khoản 65% dân số là Visual learning style, 30% Auditory và 5% còn lại là Kinesthetic. Muốn biết bạn thuộc learning style nào, các bạn có thể làm các test trắc nghiệm trên internet. Hoặc cách nhanh nhất là rà soát lại xem những việc làm nào khiến bạn thích thú học nhất.

Ví dụ, mình thuộc Visual Learning Style do mình nhận thấy bản thân mình thích và không thích những việc sau đây:

  • Mình thích học bằng cách nhìn và đọc thông tin từ sách, tin tức, internet.
  • Mình dễ bị thu hút bởi mô hình đồ thị minh họa, bản đồ, ghi chú, inforgraphic.
  • Mình không cảm thấy hiểu rõ được vấn đề cho đến khi mình viết nó xuống sổ ghi chép. Khi học từ vựng tiếng anh, mình chỉ nhớ được nếu write it down và dùng flashcard.
  • Mình khá mất tập trung khi chỉ nghe tin tức bằng tai đơn thuần, mình cần nhìn hình ảnh minh họa và các diễn giải bằng từ ngữ để theo dõi nội dung của một chủ đề nào đó.
  • Đọc sách qua hình thức Audio book không phù hợp với mình, mình cần đọc sách trực tiếp bằng mắt nhìn.
  • Mình thích tutor phong cách nghiêm túc, chỉnh chu, bài giảng lecture có cấu trúc rõ ràng, phân bổ nội dung rành mạch. Mình không tập trung tốt khi tutor hoạt động chân tay liên tục, jumping around, hoặc quá hoạt náo.

Nếu bạn giống mình, thì có thể chúng ta cùng learning style đấy! Dưới đây là bảng tóm tắt 3 loại learning style, hãy khám phá xem mình thuộc learning style nào nhé!

Visual
- Thích đọc thông tin từ sách, tin tức, internet
- Dễ bị thu hút bởi diagram, inforgraphic, map
- Dễ ghi nhớ khi Take note, Write it down

Auditory
- Thích nghe thông tin, hướng dẫn bằng lời nói
- Dễ bị thu hút bởi cuộc nói chuyện, thảo luận bằng lời
- Dễ ghi nhớ khi nghe đi nghe lại 
Kinesthetic
- Thích vận động, tham gia activities hơn là ngồi yên 1 chỗ
- Dễ bị thu hút bởi cử động cơ thể
- Dễ ghi nhớ khi tham gia vào hoạt động fieldtrips
Vậy khi đã biết rõ learning style, hãy phát huy những việc mình thích để việc học trở nên thú vị hơn và giảm thiểu những trở ngại khiến mình dễ mất tập trung nhé!

2. Chọn lựa chủ đề cần học thiết thực và thiết kế nó như 1 Project nhỏ cần hoàn thành

Trong mỗi giai đoạn cuộc sống cá nhân hoặc phát triển sự nghiệp, mỗi người sẽ có nhu cầu tìm hiểu một số chủ đề, lĩnh vực nhất định.
Ví dụ, ở giai đoạn tuổi 20 mình đã từng rơi vào tình trạng self-doubt bản thân, giai đoạn đó mình cần vực dậy tinh thần và tìm động lực phát triển, nên mình nghiên cứu rất nhiều sách về self-help và tâm lý học. Bây giờ ở giai đoạn U30 mình quan tâm nhiều đến lịch sử phát triển kinh tế chính trị ở các quốc gia và kỹ năng lãnh đạo, entrepreneurship, vì vậy mình tập trung chọn lựa đọc những cuốn sách, tham dự các conference call, workshop, seminar cho chủ đề này. 

Khi việc học hỏi gắn liền với nhu cầu thực tế của cá nhân, mình biết rõ target mình muốn đạt được sau mỗi khóa học là gì. Học để vận dụng và giải đáp khúc mắc trong cuộc sống của chính bản thân mình. Học không phải để xếp kiến thức vào 1 góc cũ kĩ. Càng lớn mình càng nhận ra quỹ thời gian là có hạn, đừng phí hoài thời gian vào những việc vô định vì thời gian là thứ mất đi rồi, chúng ta mãi không thể lấy lại được. Khi đã biết lĩnh vực mình cần trau dồi kiến thức, hãy xem đó là 1 Project nho nhỏ bản thân cần hoàn thành, thiết kế lịch học, chọn lọc tài liệu liên quan, trong ít nhất 1-3 tháng để nắm vững tương đối kiến thức của chủ đề này. Bạn không cần phải tốn quá nhiều thời gian học cho một ngày. Tránh trường hợp học dồn 3-4 tiếng liền, sau đó vài ngày thì bỏ cuộc.

Cá nhân mình sau nhiều lần thử nghiệm 20 phút đọc sách mỗi ngày là vừa đủ để mình tập trung và duy trì sức đọc bền bĩ cho thời gian dài mà không bị bỏ cuộc giữa chừng. Vào cuối tuần, khi có nhiều thời gian hơn, mình có thể đọc từ 1-2 tiếng, và sẽ có break time ở giữa để refesh bản thân. Còn tham gia các khóa học online, research trên mạng thì tầm 30 phút mỗi ngày. Như vậy nếu vừa đọc sách, vừa nghiên cứu tài liệu trên các nguồn thông tin khác, thì tầm 1 h mỗi ngày, sau 1-3 tháng mình tương đối hoàn thành xong 1 chủ đề ở mức độ tương đối sâu. Sau khi kết thúc xong 1 chủ đề , bạn có thể tạm nghĩ 1-2 tuần để refesh lại, trong khoản thời gian này bạn có thể chọn lựa những chủ đề "nhẹ cân" hơn, giúp cân bằng lại tâm trạng. Ví dụ mình hay xem các video, hoặc bài viết về duy trì năng lượng tích cực, trang trí nhà cửa, làm tóc, trang điểm, v...v... Nói đơn giản hơn, là sau khi tìm hiểu để có kiến thức chuyên môn trong 1 lĩnh vực, thì tìm hiểu thêm 1 vài tài lẻ phụ trợ ấy mà 😉

3. Dành 5 phút recap lại nội dung mỗi buổi học

Mình hay gọi đây là “5 phút quyền năng”. Dù bạn học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ hay khóa học chuyên môn, hoặc tự tìm hiểu một lĩnh vực nào đó, chương trình gồm rất nhiều chủ đề khác nhau, chúng ta phải học liên tiếp hết chủ đề này đến chủ đề khác, sau đó sẽ đến bài thi kiểm tra kiến thức. Trong quá trình học, ghi chú lại nội dung bài học đều bổ ích cho việc hệ thống kiến thức, tùy theo learning style mà bạn chọn hình thức ghi chú phù hợp. Việc ghi chú có thể diễn ra trước, trong và sau buổi học. Mình nhận thấy khi mình dành 5 phút đầu giờ để review lại bài học nội dung của bài hôm trước và 5 phút cuối giờ để review lại nội dung của bài vừa mới học xong, giúp mình nhớ bài sâu hơn, và xâu chuỗi lại hệ thống kiến thức chặt chẽ, khi đó đến lúc tổng hợp ôn thi cũng đỡ vất vã hơn rất nhiều.

Nếu như bạn nào đã từng tìm hiểu về "Tăng tính hiệu quả trong công việc", có thể các bạn sẽ biết đến việc phân chia các công việc theo 2 chiều đo lường là Effort và Impact từ thấp đến cao. Có những công việc, mình chỉ cần tốn rất ít công sức (Low Effort) nhưng mang lại tính hiệu quả cao (High Impact), gọi là Quick Win. Đối với mình 5 phút recap chính là Quick Win, quá lời như vậy, tại sao lại không làm chứ đúng không? Khi có thời gian hơn, mình sẽ giới thiệu thêm về các tool để phân tích và tăng tính hiệu quả trong công việc cho các bạn. Còn trong chủ đề hôm nay, hãy tận dụng 5 phút quyền năng, bạn sẽ thấy hiệu quả bất ngờ nếu duy trì liên tục và đều đặn trong mỗi buổi học.

Ở trên là top 3 kinh nghiệm mình đúc kết được sau nhiều năm đi học và sự nghiệp học hành vẫn đang tiếp diễn. Hy vọng sẽ có thể góp phần chia sẻ 1 góc nhìn để các bạn cùng tham khảo và thử nghiệm. Chúc các bạn học vui nhé!