BRING THE JOY!

Dạo gần đây mình bắt đầu có suy nghĩ cuộc sống này trao gửi mỗi người một lộ trình học riêng biệt. Bài học mỗi cá nhân trải nghiệm có thể khác nhau, hoặc nếu cùng nội dung học nhưng thời điểm bài học ấy xuất hiện trong cuộc đời mỗi người khác nhau. Có người vốn dĩ một cách rất tự nhiên, họ đã có thể biết cách tận hưởng khoảnh khắc khác nhau trong dòng chảy cuộc sống, nhưng với mình, tính kỷ luật lại là nguyên tắc sống nội tại của bản thân.
Mình quen làm việc có kế hoạch rõ ràng, sẵn sàng hy sinh nhiều thời gian và sức lực hơn bình thường để đạt mục tiêu mà mình tin là ý nghĩa. Với mình, căng thẳng từng là điều hiển nhiên nếu muốn thành công. Nhưng qua thời gian, mình nhận ra kỷ luật quá mức có thể dẫn đến kiệt sức. Thành công đạt được trong áp lực đôi khi không mang lại cảm giác trọn vẹn.
Mình đã nghiệm ra rằng, thay vì căng thẳng, mình có thể mang niềm vui vào hành trình của mình. Điều này không có nghĩa là từ bỏ kỷ luật mà là cân bằng giữa làm việc chăm chỉ và tận hưởng những khoảnh khắc hiện tại. Bằng cách tìm niềm vui trong từng bước đi, mình tìm ra một công thức để biến hành trình chinh phục ước mơ của mình trở nên nhẹ nhàng và bền vững hơn.
Tìm niềm vui trong nhảy múa và điều đơn giản hàng ngày không chỉ giúp mình giảm áp lực mà còn giúp mình sáng tạo hơn, và cảm thấy cuộc sống của bản thân có ý nghĩa hơn. Thành công vốn dĩ không chỉ là đích đến mà còn là hành trình đáng nhớ.

Còn sức là còn múa – Múa Tân Cương

Mình rất thích học các thể loại múa của dân tộc khác nhau bởi thông qua nhảy múa có thể cảm nhận phần nào nét văn hóa đặc trưng của dân tộc đó. Nhảy múa là cách mà người dân thể hiện lòng tự hào với quê hương, vùng đất mà họ được sinh ra, lớn lên và cũng là cách biểu đạt tình cảm trong những ngày lễ hội của cộng đồng. Mỗi một loại múa dân tộc điều có nét đẹp và sự độc đáo riêng biệt. Lần trước mình đã có bài múa dân tộc Thái và dân tộc Tây Tạng. Lần này mình trải nghiệm múa dân tộc Tân Cương, vùng đất nơi mà nét đẹp của thiên nhiên và con người luôn khiến mọi người xao xuyến khi có dịp chiêm ngưỡng. Bài múa khá khó do nhịp độ và tiết tấu rất nhanh, nhưng tranh thủ vẫn còn sức khỏe thì còn múa để lưu giữ những trải nghiệm đẹp khi đến cuộc sống này.

Đi Tìm Động Lực

💐Sau nhiều năm cật lực làm việc trong môi trường công ty quốc tế, lắm lúc mình tự hỏi bản thân: Động lực để mình đi làm mỗi ngày là gì? Khi đang loay hoay với những suy nghĩ đó, mình khá ấn tượng với một chị đồng nghiệp luôn tràn đầy năng lượng, lúc nào cũng tươi cười rạng rỡ tại văn phòng. Chị ấy là nhân viên cấp cao thâm niên lâu năm, vì vấp áp lực công việc mỗi ngày không hề nhỏ. Mình không khỏi thắc mắc: Làm sao chị ấy có thể duy trì sự tươi vui dưới guồng quay công việc như vậy? Độc lực của chị ấy là gì?
💐Sự tò mò đã thôi thúc mình hỏi chị ấy. Câu trả lời của chị ấy đơn giản nhưng sâu sắc: “Động lực của chị chính là con gái 17 tuổi của chị. Chị nói rằng chỉ cần nhìn con gái mỗi ngày, chị tự nhắc bản thân phải giữ gìn sức khỏe thật tốt, sống tích cực, làm tốt công việc của mình để kiếm tiền chăm lo cho con. Một nhân viên của mình cũng có một bé gái 5 tuổi rất đáng yêu. Em ấy nói nhiều lúc làm việc mệt, chỉ cần hít hà vào hai má phúng phính của con gái là thấy hết mệt liền.
💫Điều này giúp mình nhận ra một việc, người luôn vui vẻ tích cực, chưa chắc gì do cuộc sống của họ luôn ngập tràn những điều thuận lợi suôn sẻ, mà là do họ có một động lực rõ ràng, biết mình cần hướng đến mục tiêu gì và phải làm gì để đạt được mục tiêu đó. Động lực giúp đồng nghiệp của mình đón nhận mỗi ngày với nụ cười trên môi. Có thể câu trả lời động lực của người chị ấy rất đơn giản, nhưng mình biết không phải đơn giản để có được cho bản thân một đáp án rõ ràng như thế. Đó là cả một hành trình trải qua biết bao sự kiện, nghiền ngẫm, thử đúng và sai để cho bản thân một động lực đủ mạnh, đủ bền bỉ để cho dù có gặp gian nan, thử thách gì hay thay đổi môi trường sống như thế nào thì động lực này cũng không thay đổi.
👑Mình ngưỡng mộ người chị này vì không phải ai trong chúng ta cũng có một động lực rõ ràng như vậy. Mình chợt nghĩ câu hỏi xuyên suốt một đời người phải chăng chính là câu “Tôi là Ai va Động lực của Tôi là gì” hay sao? Mình vẫn đang đi tìm động lực của đời mình, còn bạn thì sao? Động lực của bạn là gì?

Gửi Em, Người Phụ Nữ Bước Vào Tuổi 40

Khi Em đứng trước ngưỡng cửa của tuổi 40, Em nhận ra mình đang ở một nơi rất đặc biệt—nơi mà tuổi trẻ vẫn còn vang vọng, nhưng sự trưởng thành đã lên tiếng rõ ràng hơn. Em không còn quá trẻ để mơ về một cuộc sống màu hồng, nhưng cũng không quá già để ngừng mơ mộng.
Một trong những bài học quan trọng nhất mà Em đã học được là giá trị của việc yêu thương bản thân. Em đã dành nhiều năm để chăm sóc cho người khác, cân bằng trách nhiệm, và đáp ứng mong đợi. Bây giờ, đã đến lúc yêu thương bản thân một cách mãnh liệt. Hãy tử tế với cơ thể mình, trân trọng tâm trí, và nuôi dưỡng tinh thần của Em. Hãy yêu thương phiên bản người phụ nữ mà Em đã trở thành. Em xứng đáng được yêu thương và chăm sóc từ chính mình như bất kỳ ai khác.
Và hãy tiếp tục mơ và hành động biến giấc mơ thành câu chuyện độc đáo của riêng Em. Những giấc mơ của Em không cần phải to lớn hay thay đổi cuộc đời của bất kỳ ai khác—chúng chỉ cần là của riêng Em. Có thể đó là việc bắt đầu sở thích mà Em luôn muốn thử, đi đến một nơi mới, hoặc đơn giản là tìm thêm những khoảnh khắc bình yên và hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày. Dù là gì đi nữa, hãy tiếp tục mơ nhưng đừng mộng, kiên trì hành động, tiếp tục hy vọng, tin vào vẻ đẹp của những điều có thể bởi lẽ.

HÃY GIỮ CHÂN TRÊN MẶT ĐẤT

💞Trong chương trình đào tạo Search Inside của Google tổ chức mà mình được dịp học, có một bài tập thú vị - đó là hãy viết thư cho chính mình với tư cách là một người Coach (Người Huấn Luyện). Mình muốn thay đổi bài tập này một chút bằng cách viết thư cho con gái tương lai của mình.
🎶Mỗi lần mình gặp trăn trở, mình thường tưởng tượng nếu con gái mình cũng gặp tình huống tương tự và xin mình lời khuyên thì mình sẽ hướng dẫn con mình giải quyết vấn đề như thế nào. Mình tin rằng cách này có thể giúp mình cân bằng được cả “Lý” và “Tình” khi giải quyết tình huống nan giải. Các bà Mẹ đều mong muốn đều tốt đẹp nhất cho con, vì vậy tình yêu thương trong mọi lời khuyên luôn là yếu tố cần. Và dĩ nhiên Mẹ với kinh nghiệm sống và góc nhìn bao quát của người đứng ngoài câu chuyện, có thể cho con gái một cái nhìn đủ khách quan và lý trí để kéo con về thực tế.
💞Và đây là bức thư mình gửi con gái của mình - "Hãy Giữ Chân Con Trên Mặt Đất, con nhé!"

“Gửi Con gái của mẹ,

Khi con theo đuổi tham vọng và khám phá những cơ hội thú vị phía trước, điều quan trọng là hãy dừng lại một chút và nhắc nhở bản thân về giá trị của việc giữ cho bản thân thực tế. Khi con đã đi một chặng đường dài đủ dài thì hành trình của con sẽ hiện hữu những thành tựu lẫn thách thức. Nhưng dù con nhắm cao đến đâu hay đi xa thế nào, hãy luôn nhớ giữ đôi chân mình trên mặt đất.

Giữ chân con trên mặt đất nghĩa là duy trì giá trị cốt lõi của con. Hãy khắc ghi lý do tại sao con bắt đầu, những giá trị nào là kim chỉ nam mà con đã vun đắp, và giữ gìn dù là con ở bất kỳ phương trời nào cũng không thay đổi và những bài học mà con đã học trên hành trình. Mẹ biết rằng trên hành trình con đi, sẽ có những thời điểm mất phương hướng, đôi lúc dễ dàng bị cuốn vào sự hối hả của thành công hoặc khao khát đạt được cột mốc tiếp theo, nhưng mẹ tin rằng bằng cách giữ kết nối với giá trị cốt lỗi của bản thân, con sẽ có một điểm tựa cho riêng mình để từng sự tiến bộ, phát triển của con vừa có ý nghĩa vừa bền vững.

Cuộc đời sẽ ban tặng con khoảnh khắc thăng hoa thành công rực rỡ lẫn những điểm rơi đầy chua xót. Trong những thời điểm nghịch cảnh, điểm tựa này sẽ giúp con duy trì sự rõ ràng và bình tĩnh, cho phép con chơi đùa những thăng trầm với sự kiên cường. Hãy nhớ rằng, thất bại không phải là sự kết thúc mà là cơ hội để con trở nên mạnh mẽ và khôn ngoan hơn. Và khi thành công đến, hãy để nó nhắc nhở con về công sức và sự cống hiến cả một quá trình dài đã đưa con đến đó—không chỉ mãi nhớ về thời khắc thành công cuối cùng.

Sự khiêm tốn là một khía cạnh khác của việc giữ chân trên mặt đất mà mẹ mong con sẽ ghi nhớ. Dù con đạt được bao nhiêu, đừng bao giờ lãng quên tầm quan trọng của việc học hỏi, hãy tiếp tục phát triển và giữ cho mình luôn mở lòng với những quan điểm mới. Khiêm tốn không có nghĩa là con hạ thấp giá trị bản thân; nó có nghĩa là nhận ra rằng luôn có điều gì đó để con tiếp tục học hỏi và những người khác có thể dạy con những bài học quý giá.

Khi con là trưởng một đội nhóm, việc giữ chân trên mặt đất cũng có nghĩa là lãnh đạo với sự chân thật và đồng cảm. Đội ngũ của con không chỉ nhìn vào kỹ năng của con mà còn nhìn vào tính chính trực và cách con đối xử với người khác. Bằng cách giữ vững giá trị của mình và lắng nghe những người xung quanh, mẹ mong con tạo ra một môi trường tin cậy và tôn trọng. Đây là nơi mà con khởi đầu cho sự hợp tác và đổi mới thực sự phát triển một cách bền vững.

Cân bằng tham vọng với thực tế là điều cốt yếu cho thành công lâu dài của con. Dù việc đặt mục tiêu lớn và theo đuổi giấc mơ là điều tuyệt vời, hãy đảm bảo rằng chúng khả thi và phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Bằng cách đặt ra những mục tiêu thực tế và tiến lên một cách có kế hoạch, con sẽ tránh được tình trạng kiệt sức và đảm bảo rằng thành công của mình là bền vững trong thời gian dài.

Cuối cùng, việc giữ chân trên mặt đất là điều sẽ khiến hành trình của con không chỉ thành công mà còn thỏa mãn. Đó là chìa khóa để đảm bảo rằng những thành tựu con đạt được được xây dựng trên một nền tảng vững chắc và rằng sự phát triển của bạn là liên tục và có ý nghĩa.

Vì vậy, khi con tiếp tục phấn đấu để đạt được sự vĩ đại, hãy ghi nhớ điều này: Mơ lớn, nhắm cao, và vươn tới những vì sao—nhưng đừng quên giữ cho đôi chân của con luôn vững chãi trên mặt đất, con nhé. Sự cân bằng này sẽ kim chỉ nam cho con vượt qua thử thách và thành công trên con đường mà con chọn sắp tới.

Mẹ yêu con, con gái của mẹ!”

Chủ động: Bạn được gì ? Mất gì?

Xin chào các độc giả của The Sharing Town!

Đã lâu The Sharing Town mới có dịp quay trở lại để chia sẻ suy nghĩ của bản thân với mọi người. Sự ngắt quãng thời gian qua phần nhiều do lịch trình làm việc, học tập của mình khá bận rộn. Ngoài ra mình cũng muốn có thêm 1 khoản thời gian lắng đọng để tự chiêm nghiệm lại trước khi chia sẻ bất cứ điều gì ra ngoài. Và chủ đề mình chọn để come back ngày hôm nay là “Chủ Động: Bạn được gì? Mất gì?”

Mình tin rằng trong suốt quá trình đi học, đi làm, các bạn đã được nghe rất nhiều lời khuyên : Muốn thành công thì bạn phải chủ động. Bạn muốn làm học bá ở trường, thì việc chủ động đọc bài trước, làm bài tập, nghiên cứu tài liệu tham khảo chuyên sâu, trao đổi thầy cô, bạn bè, v...v đó đều là những bước quy chuẩn mà bạn đã được dạy, được khuyên nếu muốn điểm số cao. Nếu bạn muốn đạt thành tích tốt trong công việc, được Sếp đánh giá cao để tăng lương, tăng thưởng thì chủ động chính là yếu tố tiên quyết. Chỉ cần google từ khóa "chủ động" bạn sẽ thấy ngay 368,000,000 kết quả khác nhau: chủ động là gì? làm sao để chủ động trong cuộc sống, công việc? vì sao Sếp thích nhân viên chủ động, v...v... Thật ra không cần phải đọc hết các kết quả google cũng có thể vô thức nhận ra Chủ động sẽ có tạo kết quả tích cực cho bạn dù là trong cuộc sống cá nhân, hay công việc. Nhưng tại sao không phải ai cũng chủ động dẫu rằng họ muốn có kết quả tốt? Cá nhân mình muốn tiếp cận dưới góc phân tích: Bạn được gì và mất gì khi chủ động dựa trên quan sát thực tiễn của bản thân.
Mình từng nhớ có một cậu em từng đặt ra yêu cầu: "Các anh chị có thể training em hết tất cả những gì cần làm một lúc không, em sẽ cứ theo đó là làm thôi". Yêu cầu này đặt trong bối cảnh cậu ấy là fresh graduate vừa tham gia công ty, và cảm thấy choáng ngợp có phần bực tức khi mỗi lần tiếp xúc là một điều mới chưa biết. Cậu tức giận vì lần trước anh chị chỉ dạy em A,B,C, còn lần này để làm được việc phải cần D, E, F. Sao không chỉ em luôn ngay từ đầu A, B, C, D, E, F để em đỡ mất công làm và thất bại? 
Điều này làm mình nhớ đến mong ước của mình hồi còn nhỏ: phải chi mình có thể hiểu hết những thầy cô dạy ngay tại lúc học và có thể ứng dụng ngay nhỉ? Mong ước của mình và cậu em ấy khác nhau ở chỗ cậu ấy đặt yêu cầu ở chỗ người training như phần nguyên nhân trọng tâm để có kết quả như muốn, và mình thì đặt yêu cầu cho bản thân hiểu hết những điều thầy cô nói. Tuy nhiên, cả 2 giống nhau ở chỗ là muốn nắm chắc những điều được dạy để áp dụng ngay và tránh sai lầm. Nếu bạn từng có suy nghĩ giống mình hoặc cậu em ấy thì đừng lo lắng, vì bạn không phải là người duy nhất mong muốn như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cần thẳng thừng thừa nhận với nhau: mong muốn ấy là viễn vông.  Vì sao ư? Vì mình thấy nhiều lúc giáo sư/tiến sĩ/ chuyên gia giảng dạy một vấn đề cũng chưa chắc hiểu hết toàn bộ huống chi là chúng ta :)) Còn mình nhiều điều học từ cấp 3 nhưng đến khi đại học, thạc sĩ thì mới vỡ lẽ hơn đôi chút dù điểm thi thì vẫn cao, nhưng không có nghĩa là mình hiểu. Rồi cậu em ấy có bị nhầm giữa D, E, F với A1, B1, C1 không? Thực ra đó những điều đó đã được training rồi, nay thực tế công việc biến tướng đôi chút, chứ không phải khái niệm hoàn toàn mới. Vì vậy, hãy quẳng đi những mơ ước đó cho nhẹ lòng nhé !!!

Từ đó, muốn hiểu một vấn đề gì để áp dụng thành công hơn đòi hỏi một quá trình học tập, tìm hiểu sâu sắc, thử đúng, sai, làm lại liên tục để đúc kết kinh nghiệm. Cả một quá trình này ai sẽ là người làm đây? Là thầy cô, là Sếp hay là chính bạn? Hay để mình đặt vấn đề khác một chút. Trong suốt quá trình này ai là nhân vật trung tâm, ai là nhân vật phụ, quần chúng? Nếu không chủ động trong chính cuộc sống, công việc bản thân, liệu rằng ta đã tự để mất vai trò trung tâm, ngôi sao của chính ta không? Không ai muốn đóng vai phụ trong chính cuộn phim đời mình cả.

Ở trên là sự mất của sự không chủ động. Vậy ngay cả khi chủ động rồi thì mình có bị mất gì không? Mình có đọc 1 tình huống rất hay trong cuốn sách "Đúng việc" của tác giả Giản Tư Trung, muốn chia sẻ với các bạn: 

“Hãy thử tưởng tượng bạn đang làm việc cho một công ty. Bạn xứng đáng với mức lương 10 đồng, nhưng công ty của bạn chỉ trả cho bạn mức lương 5 đồng. Trong tình huống đó, nếu không thích thì bạn sẽ không nhận làm và như vậy hông có gì phải bàn tiếp. Nhưng nếu bạn nhận làm thì bạn sẽ làm việc theo kiểu….mấy đồng?

  • Đáp án a: Kiểu 5 đồng
  • Đáp án b: Kiểu 10 đồng
  • Đáp án c: Kiểu 15 đồng
  • Đáp án d: Kiểu 2,5 đồng
  • Đáp án e: kiểu 1,5 đồng

Bạn sẽ chọn đáp án nào?

Lẽ thường tình, bạn sẽ phải tính toán thiệt hơn, được mất rồi mới chọn.
Những người làm kiểu 5 đồng, 2,5 đồng và 1,5 đồng sẽ nghĩ gì về những người làm theo kiểu 10 đồng và 15 đồng? Đồ điên! Ngu! Không hiểu nổi!…Còn những người làm theo kiểu 10 đồng và 15 đồng sẽ nghĩ gì về những người làm theo kiểu 5 đồng, 2,5 đồng và 1,5 đồng? Có lẽ họ sẽ không nghĩ gì nhiều, không coi thường, cũng không thương hại, có lẽ họ chỉ thầm tự hào về mình thôi. Bởi lẽ, có khi ngày trước mình cũng thế. Mình chỉ may mắn là nhận ra một số điều sớm hơn những người kia một chút, và nhờ đó, thái độ sống và thái độ làm của mình khác đi.”

Thái độ sống và thái độ làm của người làm việc theo kiểu 10 đồng và 15 đồng chính là thái độ CHỦ ĐỘNG. Mình có gặp một người anh trong công việc, anh từng là trưởng phòng Sale rồi ra mở doanh nghiệp riêng, sau đó quay về lại làm cho môi trường doanh nghiệp với chức danh Head of Sale. Anh từng nói một câu mình rất ấn tượng: Anh làm thuê với tâm thế của người làm chủ. Lúc đó, mình chưa hiểu rõ lắm, nhưng sau khi đọc tình huống của tác giả Giản Tư Trung ở trên mình ngộ ra một điều: anh là kiểu người chọn đáp án c – Kiểu 15 đồng. Vậy cái “sự mất” của “sự chủ động” của anh là gì : anh để mất cơ hội hòa vốn hoặc ăn lời từ công ty do đã từ bỏ lựa chọn làm việc theo kiểu 5 đồng, 2,5 đồng hay 1,5 đồng. Vậy cái được của anh là gì? Anh được tự do lựa chọn, được vùng vẫy ở cả những vùng trời rộng lớn khác khi làm chủ doanh nghiệp, sau đó được chào đón khi quay lại môi trường công sở.

Để làm rõ thêm cái được, cái mất của chủ động. Mình chia sẻ thêm một trích đoạn trong cuốn sách “Đúng việc” mà mình khá thích. “Tại sao cơ hội đến với người ta quá nhiều, còn mình thì bói một cơ hội cũng không có? Cụ thể, trong năm loại người với năm thái độ làm việc nói trên (15 đồng, 10 đồng, 5 đồng, 2,5 đồng và 1,5 đồng) thì cơ hội sẽ đến với ai nhiều nhất? Chắc hẳn, những cơ hội tốt nhất sẽ đến với loại người làm theo kiểu 15 đồng, những cơ hội nào người 15 đồng chê thì sẽ lọt vào tay của những người làm việc theo kiểu 10 đồng, còn đến những người làm việc theo kiểu 5 đồng, 2,5 đồng và 1,5 đồng thì không còn “bánh nữa”, nên chỉ còn cách đi “lượm lá” thôi, vì sống kiểu đó, làm kiểu vậy thì rất khó để có cơ hội nào đáng giá và tử tế dành cho mình”.

Chiến lược Đọc Chủ Động để Hiểu Sâu Nhớ Lâu

Xuyên suốt nhiều năm học tập và làm việc, cá nhân mình nhận thấy kỹ năng đọc đóng vai trò rất quan trọng và là tiền đề cho nhiều kỹ năng khác. Không phải tự nhiên mà chúng ta có câu nói quen thuộc “đọc thông viết thạo” phải không nào. Hãy cùng nhớ lại 1 chút để xem hành trình đọc đã gắn bó với chúng ta theo thời gian như thế nào nhé!

Nhớ lại lúc tiểu học, thầy cô dạy chúng ta đọc bảng chữ cái, đọc ca dao tục ngữ, đọc đoạn văn nhỏ, rồi sau đó mới dần làm quen với triển khai ý tưởng lập luận riêng của bản thân thông qua tập làm văn. Nội dung đọc sẽ ngày càng có nhiều hàm lượng kiến thức và chiều sâu về tư duy theo từng cấp lớp và độ tuổi.

Đối với những bạn học đại học, việc làm bài tập nhóm, thuyết trình, tiểu luận là những “đặc sản” mà bất kỳ sinh viên nào cũng được nếm trải trước khi chính thức “gặt hái” được tấm bằng tốt nghiệp. Và nguyên liệu để tạo thành những “đặc sản” này không gì khác hơn đọc nhiều tài liệu giáo trình, tài liệu tham khảo mà thầy cô giáo đưa cho.

Đến khi chúng ta trưởng thành đi làm, công việc có yêu cầu chúng ta phải đọc nhiều như thời đi học không? Đối với một người làm việc trong lĩnh vực tư vấn luật thuế như mình, câu trả lời là Có. Không những phải đọc mà là còn phải đọc rất nhiều. Tuy nhiên ở giai đoạn này hầu như sẽ không còn thầy cô bên cạnh để chỉ dạy chúng ta cần đọc cái gì, đọc như thế nào để hiệu quả. Vì vậy, sau nhiều năm tự tìm tòi, quan sát và đúc kết từ kinh nghiệm bản thân, The Sharing Town xin chia sẻ chiến lược Đọc Chủ Động để Hiểu Sâu và Nhớ Lâu hơn. Hãy cùng theo dõi chi tiết bên dưới nhé!

1. Reading Skill không chỉ nằm gói gọn trong kỳ thi IELTS

Trước tiên mình muốn làm rõ 1 chút về việc Đọc tiếng Anh và Đọc tiếng Việt. Nhiều bạn sinh viên khi được hỏi về kỹ năng đọc sẽ nghĩ ngay đến Reading Skill trong kỳ thi tiếng anh IELTS. Thế còn việc đọc Tiếng Việt có cần rèn luyện kỹ năng đọc hay không? Cá nhân mình tin rằng là Có, đặc biệt là cho những bạn muốn tiếp tục học lên cao học hoặc theo đuổi những ngành nghề tư vấn về luật. Có nhiều lúc mình đọc văn bản luật hoặc giáo trình học thuật bằng ngôn ngữ mẹ đẻ - Tiếng Việt, mình cũng gặp khó khăn trong việc nắm bắt nội dung của bài đọc và nhanh chóng quên mất nó sau vài ngày. Chính vì vậy, mình muốn xây dựng 1 chiến lược đọc cho cả việc đọc Tiếng Anh và Tiếng Việt để áp dụng trong học tập và công việc tìm hiểu luật hàng ngày. Và trong bài viết ngày hôm nay, The Sharing Town sẽ chia sẻ với các bạn về chiến lược này.

2. Chiến lược Đọc Chủ Động

Theo mình 1 quá trình Đọc Chủ Động sẽ đi qua 4 giai đoạn chính như sau:

Target – Read Details – Summary – Reflection

B1: Xác định mục tiêu

Đầu tiên, mình cần xác định Target của mình là gì để giới hạn phạm vi, tài liệu mình sẽ đọc. Điều này xác định khá dễ dàng khi bạn đi học vì thầy cô giáo sẽ giúp bạn làm điều này. Khi ra đề tài tiểu luận, thầy cô sẽ cho danh sách các tài liệu bao gồm sách giáo trình và tài liệu tham khảo để bạn có thể đọc. Tuy nhiên khi đi làm, không có ai chỉ cho bạn điều này cả. Chính bạn phải xác định đề bài mình cần tìm hiểu là gì, và chọn lọc những tài liệu bạn cần đọc.

Đôi khi có thể là mục tiêu ngắn hạn như tôi cần biết “chính sách giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp mùa Covid có áp dụng cho doanh nghiệp của tôi không?” hoặc dự án dài hơi “đánh giá phong trào phát triển nữ quyền tại khu vực Đông Nam Á”. Mỗi mục tiêu có deadline dài ngắn, độ quy mô, tính phức tạp chủ đề cần tìm hiểu khác nhau. Do đó, hãy lên kế hoạch để phân bổ thời gian đọc, viết, chỉnh sửa, và báo cáo kết quả cho Sếp hoặc Giảng Viên phù hợp.

Đối với những mục tiêu ngắn, mình thường sẽ đọc tập trung trong vòng 1-2 tiếng để tìm thông tin giải đáp cho câu hỏi. Đối với mục tiêu dài thời gian, mình sẽ phân bổ mỗi ngày đọc tầm 20-40 phút. Và trước khi đọc mình sẽ break đề tài thành nhiều câu hỏi nhỏ để tập trung đọc và sàn lọc những thông tin có liên quan đến câu hỏi cần giải đáp.

Ví dụ: Đối với : Chính sách Hỗ Trợ Giảm Thuế cho Doanh Nghiệp Mùa Covid

  • Chính sách ban hành văn bản pháp luật nào? Thời gian hiệu lực?
  • Áp dụng cho loại thuế nào (i.e. Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế Thu Nhập Cá Nhân, hay Thuế Giá Trị Gia Tăng). Giảm thuế suất hay giảm số tiền tuyệt đối
  • Đối tượng được giảm là ai? Điều kiện là gì?
  • Doanh nghiệp của tôi thuộc trường hợp giảm thuế nào? Cần làm thủ tục gì?
  • Có thể đối chiếu hoặc bổ sung với nguồn thông tin tin cậy nào khác?

Ví dụ: Đối với : Đánh giá phong trào phát triển nữ quyền tại khu vực Đông Nam Á

  • Định nghĩa phong trào nữ quyền?
  • Gồm hình thức nào? Ai là những nhân vật tiêu biểu?
  • Các giai đoạn phát triển phong trào nữ quyền?
  • Phong trào nữ quyền ở Việt Nam giống và khác các quốc gia Đông Nam Á khác như thế nào,v…v…

Sau này, chính những câu hỏi này sẽ giúp các bạn structure bài báo cáo một cách mạch lạc và có trọng tâm.

B2: Đọc thông tin chi tiết

Khi đọc thông tin chi tiết, cố gắng đọc nhanh liên tục đừng bị gián đoạn để tra nghĩa của từ mới hoặc từ nguyên ngành. Khi đọc hãy nhớ về những câu hỏi mình đặt ra ban đầu để tìm kiếm thông tin có liên quan hoặc kiểm tra xem thông tin chi tiết có khác với dự đoán ban đầu của mình không. Để giúp việc đọc nhanh, các bạn có thể tạo một số quy tắc để ghi chú nhanh. Đừng tạo quá nhiều quy tắc, dẫn đến sử dụng trộn lẫn, khó phân biệt các ý cần quan tâm. Bên dưới là bộ quy tắc của mình:

??? Đoạn này mình không hiểu
!!! Thông tin gây ngạc nhiên
*** Thông tin quan trọng
Đóng khung từ: Từ quan trọng/ Key word/ Ý chính
Khoanh tròn từ: Từ vựng chưa hiểu
Gạch chân: Thông tin chi tiết giải thích cho ý chính

Sau khi đọc 1 lượt nhanh và đánh dấu theo quy tắc trên, có thể đọc lại lần nữa kỹ hơn và tra cứu những từ vựng, hoặc thông tin chưa hiểu.

B3: Tóm Tắt

Mình đã thấy rất nhiều lần khi tóm tắt hầu hết mọi người sẽ copy và paste những diễn giải của bài đọc. Đó là lời văn của tác giả, không phải của bạn. Văn phong của mỗi người sẽ khác nhau. Nếu bạn dùng văn phong của người khác để diễn đạt sẽ rất dễ bị nói ngượng và lắp bắp. Hãy cố gắng dùng ngôn ngữ văn phong của bản thân để tóm tắt sẽ giúp bạn nhớ vấn đề lâu hơn. Ngoài ra, khi mình học thạc sĩ tại Đức, các giáo sư đều bắt sinh viên phải tóm tắt chỉ trong 1 câu duy nhất. Ban đầu mình gặp khó khăn và cảm thấy không thể nào tóm tắt nội dung nhiều như vậy chỉ trong 1 câu được. Nhưng sau một thời gian trải nghiệm, mình thấy cách này rất hiệu quả đặc biệt cho quá trình làm slide thuyết trình hoặc báo cáo cho Sếp sau này. Những câu tóm tắt này sẽ chính là Heading của Slide hoặc Email. Hãy tưởng tượng một ngày nào đó mình lên vị trí Sếp cấp cao rất bận rộn, nếu như nhân viên có thể diễn đạt thẳng trọng tâm vấn đề ngắn gọn, súc tích, mình sẽ cảm thấy appreciate biết bao nhiêu. Vậy nên, hãy làm điều này để luyện khả năng diễn đạt có trọng tâm, rõ ràng, nhằm tiết kiệm thời gian cho Sếp và giải quyết vấn đề hiệu quả nhé.

B4: Reflection

Cá nhân mình đánh giá đây là bước quan trọng nhất để bạn tạo ra sự khác biệt – Hiểu Sâu và Nhớ Lâu vấn đề hơn. Mình có tham gia một khóa học online của University of Pennsylvania, có ba cách Reflection rất hay mà mình muốn chia sẻ với các bạn.

  • Text to Self: Đó là tự hỏi bản thân những nội dung bạn vừa đọc có mối liên kết với cuộc sống bản thân bạn như thế nào?
  • Text to Text: Kiểm tra nội dung này có khiến bạn liên tưởng đến tài liệu khác mà bạn đã từng đọc hoặc nghe trước đây không. Đây là cách tuyệt vời giúp bạn xâu chuỗi các thông tin từ các nguồn lại với nhau. Tuyệt hơn nữa là sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều khi phải viết tiểu luận, luận án thạc sĩ, tiến sĩ.
  • Text to World: Nội dung bài đọc có liên kết như thế nào đến cộng đồng địa phương nơi bạn sinh sống, đất nước của bạn hoặc khu vực trên thế giới bạn đang quan tâm.

Mình rất thích cách tiếp cận vấn đề bằng Reflection như thế này. Nó giúp mình giải đáp khúc mắc bấy lâu nay trong việc phát triển suy nghĩ bản thân về bài đọc, là một bước luyện critical thinking. Nếu như trước đây mình chỉ đọc một cách bị động chỉ để tiếp nhận thông tin, thì Reflection giúp mình chủ động nhìn nhận góc nhìn của tác giả bài đọc, phản ánh liên kết với góc nhìn cá nhân mình, giúp mình quen dần với việc đưa ra quan điểm bản thân, hiểu sâu và nhớ lâu vấn đề hơn.

3. Sharing quan điểm của bạn

Ban đầu mình định đặt mục Sharing ở bước thứ 5. Tuy nhiên vì tính chất đặc biệt của Sharing mà mình muốn dành hẳn một mục riêng cho nó. Mình lập The Sharing Town với mong mốn là trước hết là giúp bản thân hoàn thiện làm chủ kiến thức, cuộc sống tốt hơn, và đồng thời kết nối với những người like-minded. Thông qua quá trình soạn bài viết, làm video, mình có thể hệ thống xâu chuỗi lại những kiến thức và trải nghiệm của mình một cách rõ ràng và rèn luyện tư duy có chiều sâu hơn. Mình rất vui vì The Sharing Town ít nhiều được sự quan tâm của các bạn đọc giả. Mình nhận được lời mời kết nối trên Linkedin, Facebook và có cơ hội trò chuyện với những người bạn mới tài giỏi và thú vị. Điều này là động lực rất lớn đối với mình. Mình cười nhiều hơn, hạnh phúc hơn vì mình cảm nhận mình đang trở thành 1 công dân tích cực và hữu ích cho cộng đồng. Mỗi một người trong chúng ta có những cách sharing khác nhau. Có thể là viết blog, hay làm speaker, hay tham gia workshop, hoặc đơn giản comment, chia sẻ những nhận xét của bạn cũng đóng góp giá trị cho sự phát triển của nhau. Hãy cùng chung tay chia sẻ và hỗ trợ nhau phát triển và hoàn thiện hơn nhé!

Kinh nghiệm tự học để phát triển bản thân

Sau 12 năm học phổ thông, 4 năm đại học, 2 năm học thạc sĩ và 2 năm học các chứng chỉ hành nghề chuyên môn, và hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực tư vấn thuế, mình nhận thấy việc học không chỉ nhất thiết phải ở ghế nhà trường mà đồng hành xuyên suốt trong cuộc sống của chúng ta.

Trên thực tế, mình vẫn đang tiếp tục học các khóa học chuyên môn, về leadership, về quản trị cuộc sống bản thân, v…v… Gần đây trong những buổi coffee talk online với những người bạn mới, mình nhận ra chủ đề “Tự Học Để Phát Triển Bản Thân” nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn. Thông qua The Sharing Town, mình muốn chia sẻ kinh nghiệm bản thân. Nếu bạn thấy hữu ích thì hãy like hoặc share để chúng ta tạo thành một cộng đồng kết nối, cùng nhau phát triển bản thân tốt hơn nha!

1. Xác định Learning Style – Phong Cách Học của bản thân

Có một thực tế là không phải ai cũng học theo một cách thức giống nhau. Để tự học hiệu quả, mình nhận thấy trước hết cần xác định Learning Style của bản thân là gì. Từ đó, mình có thể chọn lọc phương pháp học, tài liệu, tutor, lịch trình học phù hợp nhằm tối ưu hóa nhất.

Theo nghiên cứu khoa học trên thế giới, có 3 Learning Styles chính:

  • Visual
  • Auditory
  • Kinesthetic

Trong đó, khoản 65% dân số là Visual learning style, 30% Auditory và 5% còn lại là Kinesthetic. Muốn biết bạn thuộc learning style nào, các bạn có thể làm các test trắc nghiệm trên internet. Hoặc cách nhanh nhất là rà soát lại xem những việc làm nào khiến bạn thích thú học nhất.

Ví dụ, mình thuộc Visual Learning Style do mình nhận thấy bản thân mình thích và không thích những việc sau đây:

  • Mình thích học bằng cách nhìn và đọc thông tin từ sách, tin tức, internet.
  • Mình dễ bị thu hút bởi mô hình đồ thị minh họa, bản đồ, ghi chú, inforgraphic.
  • Mình không cảm thấy hiểu rõ được vấn đề cho đến khi mình viết nó xuống sổ ghi chép. Khi học từ vựng tiếng anh, mình chỉ nhớ được nếu write it down và dùng flashcard.
  • Mình khá mất tập trung khi chỉ nghe tin tức bằng tai đơn thuần, mình cần nhìn hình ảnh minh họa và các diễn giải bằng từ ngữ để theo dõi nội dung của một chủ đề nào đó.
  • Đọc sách qua hình thức Audio book không phù hợp với mình, mình cần đọc sách trực tiếp bằng mắt nhìn.
  • Mình thích tutor phong cách nghiêm túc, chỉnh chu, bài giảng lecture có cấu trúc rõ ràng, phân bổ nội dung rành mạch. Mình không tập trung tốt khi tutor hoạt động chân tay liên tục, jumping around, hoặc quá hoạt náo.

Nếu bạn giống mình, thì có thể chúng ta cùng learning style đấy! Dưới đây là bảng tóm tắt 3 loại learning style, hãy khám phá xem mình thuộc learning style nào nhé!

Visual
- Thích đọc thông tin từ sách, tin tức, internet
- Dễ bị thu hút bởi diagram, inforgraphic, map
- Dễ ghi nhớ khi Take note, Write it down

Auditory
- Thích nghe thông tin, hướng dẫn bằng lời nói
- Dễ bị thu hút bởi cuộc nói chuyện, thảo luận bằng lời
- Dễ ghi nhớ khi nghe đi nghe lại 
Kinesthetic
- Thích vận động, tham gia activities hơn là ngồi yên 1 chỗ
- Dễ bị thu hút bởi cử động cơ thể
- Dễ ghi nhớ khi tham gia vào hoạt động fieldtrips
Vậy khi đã biết rõ learning style, hãy phát huy những việc mình thích để việc học trở nên thú vị hơn và giảm thiểu những trở ngại khiến mình dễ mất tập trung nhé!

2. Chọn lựa chủ đề cần học thiết thực và thiết kế nó như 1 Project nhỏ cần hoàn thành

Trong mỗi giai đoạn cuộc sống cá nhân hoặc phát triển sự nghiệp, mỗi người sẽ có nhu cầu tìm hiểu một số chủ đề, lĩnh vực nhất định.
Ví dụ, ở giai đoạn tuổi 20 mình đã từng rơi vào tình trạng self-doubt bản thân, giai đoạn đó mình cần vực dậy tinh thần và tìm động lực phát triển, nên mình nghiên cứu rất nhiều sách về self-help và tâm lý học. Bây giờ ở giai đoạn U30 mình quan tâm nhiều đến lịch sử phát triển kinh tế chính trị ở các quốc gia và kỹ năng lãnh đạo, entrepreneurship, vì vậy mình tập trung chọn lựa đọc những cuốn sách, tham dự các conference call, workshop, seminar cho chủ đề này. 

Khi việc học hỏi gắn liền với nhu cầu thực tế của cá nhân, mình biết rõ target mình muốn đạt được sau mỗi khóa học là gì. Học để vận dụng và giải đáp khúc mắc trong cuộc sống của chính bản thân mình. Học không phải để xếp kiến thức vào 1 góc cũ kĩ. Càng lớn mình càng nhận ra quỹ thời gian là có hạn, đừng phí hoài thời gian vào những việc vô định vì thời gian là thứ mất đi rồi, chúng ta mãi không thể lấy lại được. Khi đã biết lĩnh vực mình cần trau dồi kiến thức, hãy xem đó là 1 Project nho nhỏ bản thân cần hoàn thành, thiết kế lịch học, chọn lọc tài liệu liên quan, trong ít nhất 1-3 tháng để nắm vững tương đối kiến thức của chủ đề này. Bạn không cần phải tốn quá nhiều thời gian học cho một ngày. Tránh trường hợp học dồn 3-4 tiếng liền, sau đó vài ngày thì bỏ cuộc.

Cá nhân mình sau nhiều lần thử nghiệm 20 phút đọc sách mỗi ngày là vừa đủ để mình tập trung và duy trì sức đọc bền bĩ cho thời gian dài mà không bị bỏ cuộc giữa chừng. Vào cuối tuần, khi có nhiều thời gian hơn, mình có thể đọc từ 1-2 tiếng, và sẽ có break time ở giữa để refesh bản thân. Còn tham gia các khóa học online, research trên mạng thì tầm 30 phút mỗi ngày. Như vậy nếu vừa đọc sách, vừa nghiên cứu tài liệu trên các nguồn thông tin khác, thì tầm 1 h mỗi ngày, sau 1-3 tháng mình tương đối hoàn thành xong 1 chủ đề ở mức độ tương đối sâu. Sau khi kết thúc xong 1 chủ đề , bạn có thể tạm nghĩ 1-2 tuần để refesh lại, trong khoản thời gian này bạn có thể chọn lựa những chủ đề "nhẹ cân" hơn, giúp cân bằng lại tâm trạng. Ví dụ mình hay xem các video, hoặc bài viết về duy trì năng lượng tích cực, trang trí nhà cửa, làm tóc, trang điểm, v...v... Nói đơn giản hơn, là sau khi tìm hiểu để có kiến thức chuyên môn trong 1 lĩnh vực, thì tìm hiểu thêm 1 vài tài lẻ phụ trợ ấy mà 😉

3. Dành 5 phút recap lại nội dung mỗi buổi học

Mình hay gọi đây là “5 phút quyền năng”. Dù bạn học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ hay khóa học chuyên môn, hoặc tự tìm hiểu một lĩnh vực nào đó, chương trình gồm rất nhiều chủ đề khác nhau, chúng ta phải học liên tiếp hết chủ đề này đến chủ đề khác, sau đó sẽ đến bài thi kiểm tra kiến thức. Trong quá trình học, ghi chú lại nội dung bài học đều bổ ích cho việc hệ thống kiến thức, tùy theo learning style mà bạn chọn hình thức ghi chú phù hợp. Việc ghi chú có thể diễn ra trước, trong và sau buổi học. Mình nhận thấy khi mình dành 5 phút đầu giờ để review lại bài học nội dung của bài hôm trước và 5 phút cuối giờ để review lại nội dung của bài vừa mới học xong, giúp mình nhớ bài sâu hơn, và xâu chuỗi lại hệ thống kiến thức chặt chẽ, khi đó đến lúc tổng hợp ôn thi cũng đỡ vất vã hơn rất nhiều.

Nếu như bạn nào đã từng tìm hiểu về "Tăng tính hiệu quả trong công việc", có thể các bạn sẽ biết đến việc phân chia các công việc theo 2 chiều đo lường là Effort và Impact từ thấp đến cao. Có những công việc, mình chỉ cần tốn rất ít công sức (Low Effort) nhưng mang lại tính hiệu quả cao (High Impact), gọi là Quick Win. Đối với mình 5 phút recap chính là Quick Win, quá lời như vậy, tại sao lại không làm chứ đúng không? Khi có thời gian hơn, mình sẽ giới thiệu thêm về các tool để phân tích và tăng tính hiệu quả trong công việc cho các bạn. Còn trong chủ đề hôm nay, hãy tận dụng 5 phút quyền năng, bạn sẽ thấy hiệu quả bất ngờ nếu duy trì liên tục và đều đặn trong mỗi buổi học.

Ở trên là top 3 kinh nghiệm mình đúc kết được sau nhiều năm đi học và sự nghiệp học hành vẫn đang tiếp diễn. Hy vọng sẽ có thể góp phần chia sẻ 1 góc nhìn để các bạn cùng tham khảo và thử nghiệm. Chúc các bạn học vui nhé!

Kinh nghiệm làm việc với Sếp Tây

1. Respect Employees’ time off

Có bao giờ bạn nhận được email từ Sếp như thế này chưa ? “I do not expect a reply from you out of your office hours, my apologies if I implied this. Let’s reconnect on Monday.”

Rất nhiều người quan niệm rằng làm việc càng nhiều giờ thì càng thể hiện bạn là nhân viên chăm chỉ và sẽ được Sếp khen ngợi. Thậm chí mình đã từng biết có một vài "bí kiếp" truyền tai nhau như cài đặt giờ gửi outlook email vào buổi tối muộn hoặc cuối tuần để Sếp chú ý đến sự tận tụy cống hiến làm việc quên cả tuổi thanh xuân, với hy vọng Sếp sẽ ghi nhớ và cất nhắc thăng chức sau này. Theo quan điểm của mình bí kiếp này thật sự không hiệu quả lắm!!! Đối với những công ty đa quốc gia lớn từ Châu Âu hoặc Mỹ với một bề dày lịch sử của quá trình phát triển và tôn trọng quyền lợi nhân viên, họ luôn xây dựng một bộ chuẩn quy tắc ứng xử "Code of conduct" và hướng đến phát triển bền vững "Sustainable development". Trong đó, tôn trọng thời gian cá nhân của nhân viên ngoài giờ làm việc là một yếu tố quan trọng để duy trì sự bền vững. Họ hiểu rõ chúng ta là human nên đều cần thời gian nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng sau giờ làm việc. Làm việc nhiều giờ liền sẽ làm giảm năng suất và nhiều sai sót. Ngoài ra cuộc sống cá nhân cũng quan trọng không kém sự nghiệp. Dù bạn độc thân hay có gia đình, thì bạn cũng có nhu cầu thời gian và không gian riêng sau giờ làm. Sếp cũng vậy. Nhân viên cũng vậy. Do đó, hãy dành buổi tối và cuối tuần cho bản thân nghỉ ngơi, vui chơi cùng gia đình hoặc phát triển kế hoạch cá nhân nhé, đừng gửi email cho Sếp Tây vào thời gian này. Nếu không, rất có thể bạn sẽ nhận được email tương tự như bên trên đó :))

2. Every minutes counts

Các Sếp Tây mà mình từng làm việc đều rất quan tâm đến việc sắp xếp công việc để tối ưu hóa hiệu suất làm việc. Để được tận hưởng cuộc sống cá nhân sau khi tan làm thì phải đảm bảo làm việc hết năng suất trong giờ làm việc. Mình nghĩ đều này rất công bằng. Có thể nói từng giây từng phút sẽ được tính toán. Trước kia mình đều nghĩ mỗi lần họp team thì sẽ ít nhất 1 tiếng và 5 phút hay 10 phút thì vô dụng, không thể giải quyết được vấn đề gì cả. Tuy nhiên sau kinh nghiệm du học tại Đức và nhiều năm làm việc với Sếp Tây, mình mới ngộ ra 5 phút cũng khá dài đấy. Ở công ty mình các cuộc họp đa phần là 30 phút cho từng topic, các cuộc họp đều cần phải có 1 người lead chính tùy topic mà bạn trao đổi, agenda phải nói rõ đầu cuộc họp để tránh thảo luận lang man, sau mỗi cuộc họp đều tổng kết next action kế tiếp ai làm những gì, và follow up cho đến khi hoàn tất công việc. Thay vì họp 1-2 tiếng để giải quyết, thì sẽ phân ra 4 cuộc họp nhỏ cách nhau để mọi người có thời gian nghiên cứu vấn đề, hạn chế suy nghĩ chủ quan và bỏ sót vấn đề. Khi thảo luận sẽ đào sâu phân tích các thông tin số liệu thực tế, không phải dựa trên suy đoán, hay giả định, nếu cần sẽ viết ra tất cả các scenarios có thể xảy ra, đặt câu hỏi xoáy sâu vào trọng tâm

What is pending issue?

How is its impacts?

How to quantify the impact?

What is next action required?

Mình nghĩ đây cũng là một rất hiệu quả để đọc sách, học ngoại ngữ, piano, nhảy múa hay bất kỳ môn học nào các bạn yêu thích. Mỗi ngày 30 phút học, nhưng đều đặn lặp đi lặp lại sẽ có hiệu quả tốt hơn học nhiều giờ liền một lúc. Đồng thời bạn có thể giải quyết được nhiều projects đồng thời sau một thời gian xác định. Theo kinh nghiệm đi làm hơn chục năm của mình, không bao giờ bạn có tình huống hoàn hảo làm hết 1 project này rồi mới tới project khác, đôi khi chạy 4 project 1 lúc là chuyện hết sức bình thường. Dĩ nhiên tùy theo tính quan trọng, khẩn cấp và quy mô của từng dự án mà bạn sắp xếp thời gian cho phù hợp. Vì vậy, hãy chú ý đến kỹ năng quản lý thời gian, ghi chú lại công việc (mình có bài viết chia sẻ về Digital Note Taking các bạn có thể tham khảo thêm) và make action plan cụ thể nhé. Nói chuyện với Sếp Tây, đừng giả sử, đừng nói principle chung chung, bạn cần có số liệu, bạn cần có kế hoạch cụ thể, bạn cần có timeline để đảm bảo dự án hoàn thành đúng hạn. 

3. Be confident

Người Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung đều được dạy khiêm nhường, lễ độ với những người lớn hơn hoặc cấp bậc cao hơn. Đều này phương Tây cũng được dạy các bạn ạ. Nhưng cách diễn dịch của chúng ta dễ bị biến đổi thành hướng trong thực tiễn "rụt rè, chờ đợi xem Sếp nói gì thì mình nói theo, lỡ nói khác ý Sếp thì Sếp la". Theo quan sát của mình khi du học, các bạn sinh viên quốc tế rất chủ động đưa ra chính kiến của bản thân. Mình nhấn mạnh chữ "chính kiến" bởi ý kiến đó có thể đúng hoặc sai, nhưng đó là chính kiến của riêng họ, không phải hùa theo một ai khác. Đó là cách họ xây dựng và khẳng định giá trị của bản thân trước tập thể. Có thể điều này xuất phát từ hệ thống giáo dục từ nhỏ mà các bạn ấy được tiếp nhận. Mình cảm thấy các bạn ấy rất "sợ" nếu bị xem là tàng hình và không đóng góp được gì trong một buổi họp team. Một người bạn Đức từng động viên mình khi thấy mình rụt rè "If you want something, fight for it". Trong mindset của họ, không có khái niệm chờ đợi ai đó giúp mình đạt được điều mình muốn. Nếu bạn muốn Sếp hiểu ý mình nói, chuẩn bị sắp xếp ý tưởng rành mạch, đặt mình trong vai trò của Sếp để phân tích tình huống từ nhiều khía cạnh khác nhau, đừng bắt Sếp đoán ý mình, cũng đừng hy vọng có đồng nghiệp khác hỗ trợ mình giải thích lại cho Sếp. Do it by yourself and do it confidently!

Disclaimer: Do bệnh nghề nghiệp, mình xin trình bày thêm bài viết này không có bất kỳ ý định phân biệt chủng tộc, càng không dùng cho mục đích so sánh hạ thấp người phương Đông hoặc ngược lại. Bất kỳ một văn hóa, môi trường sống và làm việc nào cũng có ưu khuyết điểm riêng. Tính cách con người thì càng đa dạng hơn, sẽ có những trường hợp khác biệt với số đông. Bài viết này dựa trên quan sát trải nghiệm thực tế cá nhân của mình. Mình hy vọng các bạn sẽ có thêm một góc nhìn chia sẻ từ The Sharing Town bên cạnh các nguồn thông tin hữu ích khác trên internet. Enjoy reading and Stay safe!

Ghi chú hiệu quả với Digital Note Taking

Đã có bao giờ bạn rơi vào những tình huống dở khóc dở cười như sau chưa?

>> Đột nhiên Sếp hỏi về nội dung của cuộc họp/ báo cáo tháng trước, bạn nặn óc suy nghĩ nhưng không tài nào nhớ được bởi những nội dung trao đổi trước kia như làn khói phai mờ không để lại 1 chút dấu vết.

>> Lecture của thạc sĩ/ tiến sĩ có liên quan đến kiến thức cũ bậc đại học hoặc đề tài khoa học bạn đã từng nghiên cứu rất kỹ nhưng nay toàn bộ ghi chép không biết lưu lạc nơi phương nào

>> Bạn thích đọc sách nhưng sau đó lại quên sạch nội dung đã đọc chỉ sau vài tuần ngắn ngủi

>> Kỳ thi cuối kỳ đã tới và bạn phải vắt chân lên cổ để lướt lại toàn bộ kiến thức đã học nhưng nhận ra những gì bạn cố nhồi nhét trong những ngày cận kỳ thi chỉ là kiến thức rời rạc, không được xâu chuỗi và hệ thống hiệu quả

>> Bạn cảm thấy bất lực khi phải lật lại từng trang giấy ghi chú để tìm lại nội dung cần đọc.

Nếu câu trả lời là Yes, bạn và The Sharing Town đã cùng chung cảnh ngộ rồi đấy !

Vì Sao The Sharing Town yêu Digital Note Taking ?

The Sharing Town đã từng là fan của sổ tay ghi chép và luôn luôn có 1 cuốn sổ nhỏ trong túi xách để ghi chú khi cần thiết. Tuy nhiên sau nhiều năm làm việc và học tập, mình phát hiện ra ghi chú bằng giấy theo cách truyền thống có một số nhược điểm nhất định, và không thể đáp ứng được nhu cầu ghi chú, hệ thống kiến thức và tra cứu lại thông tin trong 1 nốt nhạc. Thế là The Sharing Town đã tìm đến các app ghi chú.

Sau 1 năm trải nghiệm với nhiều app khác nhau như Notion, Samsung Note, Noteshelf, One Note, mình thực sự yêu thích và cuộc sống professional life và personal life của mình được cải thiện tính hiệu quả 1 cách rõ rệt nhờ vào những ứng dụng digital note taking này. Cụ thể, The Sharing Town website và những bài viết Book Review, chia sẻ kiến thức chuyên môn về thuế và pháp lý khó nhằn dưới dạng One Page Advice sẽ không thể ra đời nếu mình không áp dụng digital note taking. Vì sao The Sharing Town lại trót yêu Digital Note Taking? Các bạn có thể cùng xem One Page advice của mình trong bài viết này nhé. Trong hình cũng có chia sẻ 1 trang taking note bằng app Notion của mình về Book read qua các năm, đây chính là tiền đề để The Sharing Town viết chuyên mục One Book One Page.

Mỗi app sẽ có 1 số Pros & Cons nên The Sharing Town chia ra mục đích sử dụng để dễ quản lý và thuận tiện nhất như sau. Hãy cùng tham khảo và trải nghiệm digital note taking nhé!

Notion : cực kỳ hữu ích cho việc học tập, ví dụ ghi chú Book Review, bài giảng ở trường 
Samsung Note: là app cài đặt trong điện thoại Samsung với Pen giúp trải nghiệm cảm giác viết tay như thật, giúp ghi lại ý tưởng ngay lập tức mà không phải chạy tìm bút viết và sổ tay
Noteshelf: cực kỳ hiệu quả khi take note ghi chú riêng của bạn lên giáo trình/ tài liệu pdf của giáo viên hoặc điền câu trả lời trực tiếp lên exercise book
One Note: tuyệt vời cho ghi chú nội dung cuộc họp, to do list trong công việc vì phần lớn công ty luôn mua bản quyền Microsoft cho nhân viên sử dụng trên laptop. Từ đó bạn có thể tách riêng ghi chú cho công việc và personal life

Bạn đã trải nghiệm Digital Note Taking chưa? Nếu chưa, hãy dùng thử và sau đó chia sẻ cảm nhận của bạn nhé! Nếu có, hãy comment các tips hay hay để mọi người có cơ hội được học thêm từ bạn!