Không cần ai cho phép để thực hiện giấc mơ

Trong hành trình phát triển bản thân, mình nhận ra rằng bản thân không cần chờ sự cho phép của bất kỳ ai để thực hiện giấc mơ.

Trước đây mình hay chần chừ khi bắt đầu một dự án mới, thử trải nghiệm một điều gì mới. Mình e ngại rủi ro, sợ mình làm không tốt, sợ bị đánh giá. Những nỗi sợ này thành một rào cản vô hình, khiến mình phụ thuộc và khao khát sự đồng thuận từ người khác, như một nguồn an ủi và điểm tựa cho bản thân.

Nhưng hành trình đến với múa đã dạy cho mình một bài học quý giá. Khi niềm yêu thích đủ lớn, mình cảm thấy hạnh phúc mỗi khi được nhảy múa. Mình có thể nhảy trật nhịp, gương mặt ít biểu cảm, khả năng trình diễn không đủ tốt để vào đội hình múa chính thức, nhưng những điều này có thể ngăn mình không nhảy múa nữa không? Chắc chắn là không! Ngược lại, những điều này sẽ là động lực để mình cố gắng hoàn thiện hơn.

Với niềm đam mê đủ lớn, mình không cần phải xin phép để theo đuổi ước mơ của mình. Người duy nhất có thể thực sự quyết định hành động là chính bản thân mình.

Mình biết ơn môn nghệ thuật múa đã giúp mình thấm dần những bài học về phát triển bản thân một cách tự nhiên, để từ đó áp dụng vào công việc và cuộc sống cá nhân. 💗Một khi đã biết rõ con đường mình muốn đi, hãy cứ thế mà làm!💗

#thaivanchinam#thesharingtown#personaldevelopment

I’m a professional who loves dancing

Trong hành trình tìm hiểu bản thân, mình có cơ duyên được biết đến Gallup Strength Test để khám phá đâu là bộ tài năng nổi bật của riêng mình. Không bất ngờ lắm khi “Learning” là Top 1 trong danh sách bộ tài năng mà mình có. Mình thích học! Không những học chuyên môn mà còn học nhiều kỹ năng bổ trợ khác. Tuy nhiên, có 1 điều mà Gallup đã khai sáng cho mình là bất kỳ tài năng nào cũng có 2 thái cực – raw và mature. Khi tài năng mang tính còn thực hiện theo bản năng có thể tạm gọi là raw, cần phải rèn luyện gọt giũa mới có thể trở thành tài năng mature. Ở mức độ raw, sẽ có những điểm mù mà bản thân có thể không tự phát hiện được. Ví dụ, mình rất thích học, và điểm mù của việc học này là mình sa đà vào tận hưởng quá trình học mà không chú ý đến làm sao để tận dụng nguồn lực giới hạn mình đang có để đạt kết quả tối ưu nhất, thậm chí mình cứ thích theo đuổi một quá trình học lâu dài, có lớp lang trình tự bài bản, không quan tâm đến kết quả đầu ra lắm.

Điều này cũng chẳng là vấn đề to tát khi quỹ thời gian của mình khá dư giả. Tuy nhiên khi đến độ tuổi mà áp lực công việc ngày càng lớn buộc mình phải tính toán phân chia thời gian hợp lý để có thể hoàn thành công việc, và có thời gian cho bản thân, cho gia đình. Mình cần phải suy nghĩ phải tạo được kết quả gì trước khi dấn thân quỹ thời gian giới hạn cho việc học 1 điều gì đó. Học rồi có áp dụng và cho ra được sản phẩm gì không? Việc học múa giúp mình nghiệm ra được điều này một cách rất tự nhiên và dễ chịu. Trước kia học múa cũng không suy nghĩ gì đến việc quay video kết khóa, nhưng giờ mình xem việc quay video múa là thành phẩm ứng dụng cho thấy kết quả của việc học. Nếu không có video múa, chắc mình cũng chẳng nỗ lực để học thuộc bài, chuốt dáng từng động tác hoặc suy nghĩ làm sao để tương tác với camera tốt hơn, góc máy nào sẽ đẹp hơn để có 1 video chỉnh chu nhất có thể. Chỉ cần thấy video sau tiến bộ hơn video trước là mình đã đủ vui, là một achievement nhỏ nhỏ của bản thân trong hành trình thấu hiểu hơn về bản thân và gọt giũa tài năng của mình ngày càng rõ nét hơn.

Chủ động: Bạn được gì ? Mất gì?

Xin chào các độc giả của The Sharing Town!

Đã lâu The Sharing Town mới có dịp quay trở lại để chia sẻ suy nghĩ của bản thân với mọi người. Sự ngắt quãng thời gian qua phần nhiều do lịch trình làm việc, học tập của mình khá bận rộn. Ngoài ra mình cũng muốn có thêm 1 khoản thời gian lắng đọng để tự chiêm nghiệm lại trước khi chia sẻ bất cứ điều gì ra ngoài. Và chủ đề mình chọn để come back ngày hôm nay là “Chủ Động: Bạn được gì? Mất gì?”

Mình tin rằng trong suốt quá trình đi học, đi làm, các bạn đã được nghe rất nhiều lời khuyên : Muốn thành công thì bạn phải chủ động. Bạn muốn làm học bá ở trường, thì việc chủ động đọc bài trước, làm bài tập, nghiên cứu tài liệu tham khảo chuyên sâu, trao đổi thầy cô, bạn bè, v...v đó đều là những bước quy chuẩn mà bạn đã được dạy, được khuyên nếu muốn điểm số cao. Nếu bạn muốn đạt thành tích tốt trong công việc, được Sếp đánh giá cao để tăng lương, tăng thưởng thì chủ động chính là yếu tố tiên quyết. Chỉ cần google từ khóa "chủ động" bạn sẽ thấy ngay 368,000,000 kết quả khác nhau: chủ động là gì? làm sao để chủ động trong cuộc sống, công việc? vì sao Sếp thích nhân viên chủ động, v...v... Thật ra không cần phải đọc hết các kết quả google cũng có thể vô thức nhận ra Chủ động sẽ có tạo kết quả tích cực cho bạn dù là trong cuộc sống cá nhân, hay công việc. Nhưng tại sao không phải ai cũng chủ động dẫu rằng họ muốn có kết quả tốt? Cá nhân mình muốn tiếp cận dưới góc phân tích: Bạn được gì và mất gì khi chủ động dựa trên quan sát thực tiễn của bản thân.
Mình từng nhớ có một cậu em từng đặt ra yêu cầu: "Các anh chị có thể training em hết tất cả những gì cần làm một lúc không, em sẽ cứ theo đó là làm thôi". Yêu cầu này đặt trong bối cảnh cậu ấy là fresh graduate vừa tham gia công ty, và cảm thấy choáng ngợp có phần bực tức khi mỗi lần tiếp xúc là một điều mới chưa biết. Cậu tức giận vì lần trước anh chị chỉ dạy em A,B,C, còn lần này để làm được việc phải cần D, E, F. Sao không chỉ em luôn ngay từ đầu A, B, C, D, E, F để em đỡ mất công làm và thất bại? 
Điều này làm mình nhớ đến mong ước của mình hồi còn nhỏ: phải chi mình có thể hiểu hết những thầy cô dạy ngay tại lúc học và có thể ứng dụng ngay nhỉ? Mong ước của mình và cậu em ấy khác nhau ở chỗ cậu ấy đặt yêu cầu ở chỗ người training như phần nguyên nhân trọng tâm để có kết quả như muốn, và mình thì đặt yêu cầu cho bản thân hiểu hết những điều thầy cô nói. Tuy nhiên, cả 2 giống nhau ở chỗ là muốn nắm chắc những điều được dạy để áp dụng ngay và tránh sai lầm. Nếu bạn từng có suy nghĩ giống mình hoặc cậu em ấy thì đừng lo lắng, vì bạn không phải là người duy nhất mong muốn như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cần thẳng thừng thừa nhận với nhau: mong muốn ấy là viễn vông.  Vì sao ư? Vì mình thấy nhiều lúc giáo sư/tiến sĩ/ chuyên gia giảng dạy một vấn đề cũng chưa chắc hiểu hết toàn bộ huống chi là chúng ta :)) Còn mình nhiều điều học từ cấp 3 nhưng đến khi đại học, thạc sĩ thì mới vỡ lẽ hơn đôi chút dù điểm thi thì vẫn cao, nhưng không có nghĩa là mình hiểu. Rồi cậu em ấy có bị nhầm giữa D, E, F với A1, B1, C1 không? Thực ra đó những điều đó đã được training rồi, nay thực tế công việc biến tướng đôi chút, chứ không phải khái niệm hoàn toàn mới. Vì vậy, hãy quẳng đi những mơ ước đó cho nhẹ lòng nhé !!!

Từ đó, muốn hiểu một vấn đề gì để áp dụng thành công hơn đòi hỏi một quá trình học tập, tìm hiểu sâu sắc, thử đúng, sai, làm lại liên tục để đúc kết kinh nghiệm. Cả một quá trình này ai sẽ là người làm đây? Là thầy cô, là Sếp hay là chính bạn? Hay để mình đặt vấn đề khác một chút. Trong suốt quá trình này ai là nhân vật trung tâm, ai là nhân vật phụ, quần chúng? Nếu không chủ động trong chính cuộc sống, công việc bản thân, liệu rằng ta đã tự để mất vai trò trung tâm, ngôi sao của chính ta không? Không ai muốn đóng vai phụ trong chính cuộn phim đời mình cả.

Ở trên là sự mất của sự không chủ động. Vậy ngay cả khi chủ động rồi thì mình có bị mất gì không? Mình có đọc 1 tình huống rất hay trong cuốn sách "Đúng việc" của tác giả Giản Tư Trung, muốn chia sẻ với các bạn: 

“Hãy thử tưởng tượng bạn đang làm việc cho một công ty. Bạn xứng đáng với mức lương 10 đồng, nhưng công ty của bạn chỉ trả cho bạn mức lương 5 đồng. Trong tình huống đó, nếu không thích thì bạn sẽ không nhận làm và như vậy hông có gì phải bàn tiếp. Nhưng nếu bạn nhận làm thì bạn sẽ làm việc theo kiểu….mấy đồng?

  • Đáp án a: Kiểu 5 đồng
  • Đáp án b: Kiểu 10 đồng
  • Đáp án c: Kiểu 15 đồng
  • Đáp án d: Kiểu 2,5 đồng
  • Đáp án e: kiểu 1,5 đồng

Bạn sẽ chọn đáp án nào?

Lẽ thường tình, bạn sẽ phải tính toán thiệt hơn, được mất rồi mới chọn.
Những người làm kiểu 5 đồng, 2,5 đồng và 1,5 đồng sẽ nghĩ gì về những người làm theo kiểu 10 đồng và 15 đồng? Đồ điên! Ngu! Không hiểu nổi!…Còn những người làm theo kiểu 10 đồng và 15 đồng sẽ nghĩ gì về những người làm theo kiểu 5 đồng, 2,5 đồng và 1,5 đồng? Có lẽ họ sẽ không nghĩ gì nhiều, không coi thường, cũng không thương hại, có lẽ họ chỉ thầm tự hào về mình thôi. Bởi lẽ, có khi ngày trước mình cũng thế. Mình chỉ may mắn là nhận ra một số điều sớm hơn những người kia một chút, và nhờ đó, thái độ sống và thái độ làm của mình khác đi.”

Thái độ sống và thái độ làm của người làm việc theo kiểu 10 đồng và 15 đồng chính là thái độ CHỦ ĐỘNG. Mình có gặp một người anh trong công việc, anh từng là trưởng phòng Sale rồi ra mở doanh nghiệp riêng, sau đó quay về lại làm cho môi trường doanh nghiệp với chức danh Head of Sale. Anh từng nói một câu mình rất ấn tượng: Anh làm thuê với tâm thế của người làm chủ. Lúc đó, mình chưa hiểu rõ lắm, nhưng sau khi đọc tình huống của tác giả Giản Tư Trung ở trên mình ngộ ra một điều: anh là kiểu người chọn đáp án c – Kiểu 15 đồng. Vậy cái “sự mất” của “sự chủ động” của anh là gì : anh để mất cơ hội hòa vốn hoặc ăn lời từ công ty do đã từ bỏ lựa chọn làm việc theo kiểu 5 đồng, 2,5 đồng hay 1,5 đồng. Vậy cái được của anh là gì? Anh được tự do lựa chọn, được vùng vẫy ở cả những vùng trời rộng lớn khác khi làm chủ doanh nghiệp, sau đó được chào đón khi quay lại môi trường công sở.

Để làm rõ thêm cái được, cái mất của chủ động. Mình chia sẻ thêm một trích đoạn trong cuốn sách “Đúng việc” mà mình khá thích. “Tại sao cơ hội đến với người ta quá nhiều, còn mình thì bói một cơ hội cũng không có? Cụ thể, trong năm loại người với năm thái độ làm việc nói trên (15 đồng, 10 đồng, 5 đồng, 2,5 đồng và 1,5 đồng) thì cơ hội sẽ đến với ai nhiều nhất? Chắc hẳn, những cơ hội tốt nhất sẽ đến với loại người làm theo kiểu 15 đồng, những cơ hội nào người 15 đồng chê thì sẽ lọt vào tay của những người làm việc theo kiểu 10 đồng, còn đến những người làm việc theo kiểu 5 đồng, 2,5 đồng và 1,5 đồng thì không còn “bánh nữa”, nên chỉ còn cách đi “lượm lá” thôi, vì sống kiểu đó, làm kiểu vậy thì rất khó để có cơ hội nào đáng giá và tử tế dành cho mình”.