Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân mình nên tích lũy kiến thức và kỹ năng theo hướng chuyên sâu hay mở rộng?
Chiến lược tiếp cận nào là phù hợp để mình có thể đạt được mục tiêu mong muốn? Có khi nào bạn cảm thấy bản thân đang bị tách ra khỏi “hội nghị bàn tròn” nếu chủ đề thảo luận không thuộc lĩnh vực chuyên môn của bạn không?
Bản thân mình đã tự vấn bản thân những vấn đề trên rất nhiều lần. Vậy thì lời giải đáp cho những thắc mắc trên của bản thân mình là gì? Hãy cùng tìm hiểu với mình tiếp theo sau nhé!
Trước khi lựa chọn chiến lược tiếp cận phù hợp, mình cần làm rõ mục tiêu của bản thân là gì? Mục tiêu ở đây có thể là chuyên ngành học hoặc nghề nghiệp mình muốn theo đuổi sau khi tốt nghiệp, hoặc chức vụ mình muốn đạt được là gì sau 3 hay 5 năm? Và một điều quan trọng nữa mình nhận thấy là mục tiêu của bản thân mình sẽ thay đổi qua những giai đoạn khác nhau trong cuộc sống. Cụ thể, ở giai đoạn vừa tốt nghiệp cấp 3, mục tiêu của mình là xác định ngành học tài chính hay quản trị kinh doanh? Đến lúc ra trường thì sẽ chọn nghề nghiệp nào tư vấn tài chính, môi giới chứng khoán, kiểm toán, hay tư vấn thuế, rồi mục tiêu của mình là làm cho công ty cung cấp dịch vụ (professional firm) hay công ty inhouse, hay cơ quan nhà nước. Sau khi làm việc 4-5 năm, mình muốn làm vị trí trưởng phòng và tiếp tục thăng tiến xa hơn sau đó. Mình tin rằng nhiều bạn cũng trải qua những thắc mắc tương tự trong cuộc sống dẫu rằng sự lựa chọn của các bạn có thể rất khác nhau. Tại những thời điểm đó, mình chưa nhận thức được mọi thứ một cách rõ ràng, chỉ lờ mờ cảm nhận có một sự biến chuyển trong nhận thức mọi người về chuyên môn hóa. Theo quan sát của cá nhân mình, thời điểm cách đây hơn 10 năm là thời kỳ nở rộ của "chuyên môn hóa". Lúc đó, việc cái gì cũng biết một ít, nhưng không chuyên cái gì hết bắt đầu bị "knock out" bởi xu hướng chuyên môn hóa do những hiệu quả về mặt thời gian công sức mà chuyên môn hóa mang lại. Ở nội dung của bài viết này, mình gắn sự "chuyên môn hóa" với "học sâu" để đi vào phân tích góc nhìn bản thân mình. Cụ thể tại thời điểm đó, đa phần trường đại học hướng đến cho sinh viên chọn chuyên ngành ngay từ lúc đăng ký, chỉ có trường đại học Kinh tế Tp.HCM ("UEH") cho phép sinh viên tham gia chọn ngành học sau 1,5 năm giai đoạn đại cương. Về điểm này mình đánh giá cao UEH đã cho phép sinh viên cọ xát và có thời gian tiếp cận trước khi chọn lựa ngành học mong muốn chính xác và đây cũng là một trong những nguyên nhân mình chọn UEH để theo học. Theo quan điểm cá nhân của mình, học chuyên sâu một lĩnh vực không có gì là sai, và việc coi trọng chuyên môn hóa là một bước đi hợp với thời điểm hoàn cảnh xã hội kinh tế tại thời điểm đó. Hơn nữa ai cũng cần hiểu biết sâu một lĩnh vực ở mức độ này hay mức độ khác, vào lúc này hoặc lúc khác. Ví dụ, mình học chuyên ngành tài chính thì chắc chắn mình sẽ cần học rất sâu những kiến thức và bộ kỹ năng về lĩnh vực tài chính từ rất sớm khi vẫn còn ngồi giảng đường đại học cho đến những năm ngấp nghé vị trí quản lý nhóm (mình tạm chia đây là giai đoạn từ tầm tuổi 20 đến 30 tuổi), nhưng một bạn sinh viên học quản trị kinh doanh hoặc bạn làm ngành sales thì lượng chuyên môn sâu về quản trị sẽ được tích lũy ở giai đoạn tầm tuổi từ 30 trở lên. Trước đó, kỹ năng và kiến thức các bạn học quản trị sẽ trải rộng hơn rất nhiều so với các bạn học chuyên ngành tài chính như mình. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chỉ học sâu ở một giai đoạn cố định mà chuyển qua hoàn toàn học dàn trải. Yếu tố quan trọng là mức độ sâu ở từng thời điểm. Cá nhân mình giai đoạn hiện tại đang ở vị trí quản lý và tiếp tục đào sâu vào chuyên môn nhiều hơn nữa. Tuy nhiên cách mình tiếp cận chuyên môn ở giai đoạn này không giống với thời sinh viên nữa. Mình học sâu thông qua tìm hiểu mối liên kết với những khía cạnh khác, và không chỉ đơn thuần chuyển sang học rộng dàn trải mà mình phát triển chiến lược là HIỂU SÂU- BIẾT RỘNG. Khi đã có tiền đề suy nghĩ về chiến lược này, mình bắt đầu search sách và thông tin trên mạng và đã mình đã tìm được cuốn sách rất hay "Hiểu sâu - Biết rộng Kiểu gì cũng thắng" của David Epstein. Mình rất thích cuốn sách này và tìm thấy rất nhiều lời giải đáp cho các thắc mắc của bản thân và rất relevant với chủ đề Học rộng hay học sâu mà mình quan tâm. Cuốn sách đưa ra 2 hình mẫu thành công để phân tích là Tiger Woods - một vận động viên golf thành công nhất mọi thời đại và Roger Federer - vận động viên quần vợt người Thụy Sĩ được gọi với biệt danh là Tàu tốc hành. Cả hai đều là những người thành công xuất chúng nhưng câu chuyện đi đến thành công của họ hoàn toàn rất khác xa nhau. Nếu như Tiger Wood là người được chọn cho golf từ tuổi lên ba và bắt đầu luyện tập có chủ đích theo sự huấn luyện bài bản chuyên nghiệp còn Roger Federer lại trải qua giai đoạn thử nghiệm nhiều môn thể thao khác nhau, sau khi khám phá được năng lực và thiên hướng của mình, mới huy động tối đa sức lực để tập luyện chuyên sâu một lĩnh vực. Câu chuyện Tiger Wood đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người và từ đó nhiều khóa huấn luyện về luyện tập chuyên sâu có chủ đích được áp dụng một cách rộng rãi. Thậm chí có nhiều bậc cha mẹ, nhà khoa học đã áp dụng để đào tạo con cái mình thành thiên tài ngay từ lúc nhỏ. Nếu các bạn đã đọc "Em phải đến Hardvard học kinh tế" của Lưu Vệ Hoa và Trương Hán Vũ, bạn sẽ thấy mẹ và cha dượng của cô bé Lưu Diệc Đình - "cô gái Harvard" - thần tượng học tập của giới trẻ Trung Quốc cũng áp dụng luyện tập chuyên sâu có chủ đích để đạt được mục tiêu vào học trường Harvard. Tuy nhiên, trên thế giới này có bao người có mấy người có đủ điều kiện về yếu tố môi trường gia đình, xã hội để tiếp cận chiến lược có chủ đích giống như cách của Tiger Wood hay Lưu Diệc Đình. Tác giả cuốn sách Hiểu Sâu Biết Rộng Kiểu Gì Cũng Thắng của David Epstein đưa ra 1 góc nhìn mà mình rất tâm đắc - phần lớn chúng ta sẽ gần với câu chuyện của Roger Federer hơn là Tiger Wood. Và chúng ta có thể học từ câu chuyện của Roger Federer để có một cách chiến lược phù hợp với bản thân hơn. Câu chuyện của họ không chỉ áp dụng ở lĩnh vực thể thao mà còn có thể phù hợp với những lĩnh vực khác. Cách tiếp cận của mình là vận dụng của việc Hiểu Sâu vấn đề chuyên môn nhưng không từ bỏ cơ hội mở rộng tư duy sang Biết Rộng. Nếu bạn nào đã theo dõi The Sharing Town, chắc hẳn các bạn đã biết mình đang làm Tax Manager ở một công ty đa quốc gia với kinh nghiệm làm việc chuyên môn hơn 10 năm. Độ sâu về chuyên môn mình đã có nền tảng nhất định, tuy nhiên với mục tiêu là phát triển sự nghiệp ở international corporate environment và tinh thần entrepreneurship, mình hiểu được tầm quan trọng của Biết Rộng để không chỉ truyền đạt, kết nối, chia sẻ kiến thức chuyên môn một cách dễ hiểu cho những người không chuyên mà còn tập trung vào đúng vấn đề của người nghe cần biết. Khi làm Tax Manager của một công ty inhouse, mình không phải lúc nào cũng giao tiếp với những chuyên gia cùng ngành, người có thể dễ dàng nắm bắt nội dung thuế liên quan, mà mình sẽ tư vấn thuế cho những người không biết gì về thuế. Cách tiếp cận của non-expert cho một vấn đề sẽ rất khác với một expert như mình. Nếu không biết rộng về những kiến thức cross-industry hay cross-field mình sẽ khó lòng hoàn thành nhiệm vụ tốt. Hơn nữa khi mình bắt đầu học nghiên cứu những lĩnh vực mới, mình nhớ được cách 1 người không chuyên tiếp cận một vấn đề mới như thế nào để cảm thông hơn khi cả 2 bên có cách nhìn quá khác biệt cho 1 vấn đề, và mình học cách giải thích, tiếp cận đơn giản, hiệu quả nhất có thể. Đó là lý do mình luôn học, học hoài, học mãi để có tư duy rộng, bổ trợ thêm nhiều góc nhìn mới bên cạnh góc nhìn chuyên môn của bản thân. Và cá nhân mình cách tiếp cận này mang lại nhiều giá trị cho công việc và đời sống cá nhân của mình. Ở trên là một quan điểm cá nhân của mình về học rộng hay học sâu và cách tiếp cận Hiểu Sâu - Biết Rộng. Hy vọng sẽ có thêm 1 góc nhìn để các bạn tham khảo và lựa chọn cách tiếp cận phù hợp với bối cảnh riêng của bản thân. Nếu có ý kiến chia sẻ thêm đừng ngại comment nhé. Mình còn quan tâm về chủ đề Giáo dục khai phóng, hy vọng sẽ sớm phát hành bài viết để chia sẻ thêm với các bạn! Cảm ơn các bạn rất nhiều và hẹn gặp lại trong các chủ đề tiếp theo nhé!