Chiến lược Đọc Chủ Động để Hiểu Sâu Nhớ Lâu

Xuyên suốt nhiều năm học tập và làm việc, cá nhân mình nhận thấy kỹ năng đọc đóng vai trò rất quan trọng và là tiền đề cho nhiều kỹ năng khác. Không phải tự nhiên mà chúng ta có câu nói quen thuộc “đọc thông viết thạo” phải không nào. Hãy cùng nhớ lại 1 chút để xem hành trình đọc đã gắn bó với chúng ta theo thời gian như thế nào nhé!

Nhớ lại lúc tiểu học, thầy cô dạy chúng ta đọc bảng chữ cái, đọc ca dao tục ngữ, đọc đoạn văn nhỏ, rồi sau đó mới dần làm quen với triển khai ý tưởng lập luận riêng của bản thân thông qua tập làm văn. Nội dung đọc sẽ ngày càng có nhiều hàm lượng kiến thức và chiều sâu về tư duy theo từng cấp lớp và độ tuổi.

Đối với những bạn học đại học, việc làm bài tập nhóm, thuyết trình, tiểu luận là những “đặc sản” mà bất kỳ sinh viên nào cũng được nếm trải trước khi chính thức “gặt hái” được tấm bằng tốt nghiệp. Và nguyên liệu để tạo thành những “đặc sản” này không gì khác hơn đọc nhiều tài liệu giáo trình, tài liệu tham khảo mà thầy cô giáo đưa cho.

Đến khi chúng ta trưởng thành đi làm, công việc có yêu cầu chúng ta phải đọc nhiều như thời đi học không? Đối với một người làm việc trong lĩnh vực tư vấn luật thuế như mình, câu trả lời là Có. Không những phải đọc mà là còn phải đọc rất nhiều. Tuy nhiên ở giai đoạn này hầu như sẽ không còn thầy cô bên cạnh để chỉ dạy chúng ta cần đọc cái gì, đọc như thế nào để hiệu quả. Vì vậy, sau nhiều năm tự tìm tòi, quan sát và đúc kết từ kinh nghiệm bản thân, The Sharing Town xin chia sẻ chiến lược Đọc Chủ Động để Hiểu Sâu và Nhớ Lâu hơn. Hãy cùng theo dõi chi tiết bên dưới nhé!

1. Reading Skill không chỉ nằm gói gọn trong kỳ thi IELTS

Trước tiên mình muốn làm rõ 1 chút về việc Đọc tiếng Anh và Đọc tiếng Việt. Nhiều bạn sinh viên khi được hỏi về kỹ năng đọc sẽ nghĩ ngay đến Reading Skill trong kỳ thi tiếng anh IELTS. Thế còn việc đọc Tiếng Việt có cần rèn luyện kỹ năng đọc hay không? Cá nhân mình tin rằng là Có, đặc biệt là cho những bạn muốn tiếp tục học lên cao học hoặc theo đuổi những ngành nghề tư vấn về luật. Có nhiều lúc mình đọc văn bản luật hoặc giáo trình học thuật bằng ngôn ngữ mẹ đẻ - Tiếng Việt, mình cũng gặp khó khăn trong việc nắm bắt nội dung của bài đọc và nhanh chóng quên mất nó sau vài ngày. Chính vì vậy, mình muốn xây dựng 1 chiến lược đọc cho cả việc đọc Tiếng Anh và Tiếng Việt để áp dụng trong học tập và công việc tìm hiểu luật hàng ngày. Và trong bài viết ngày hôm nay, The Sharing Town sẽ chia sẻ với các bạn về chiến lược này.

2. Chiến lược Đọc Chủ Động

Theo mình 1 quá trình Đọc Chủ Động sẽ đi qua 4 giai đoạn chính như sau:

Target – Read Details – Summary – Reflection

B1: Xác định mục tiêu

Đầu tiên, mình cần xác định Target của mình là gì để giới hạn phạm vi, tài liệu mình sẽ đọc. Điều này xác định khá dễ dàng khi bạn đi học vì thầy cô giáo sẽ giúp bạn làm điều này. Khi ra đề tài tiểu luận, thầy cô sẽ cho danh sách các tài liệu bao gồm sách giáo trình và tài liệu tham khảo để bạn có thể đọc. Tuy nhiên khi đi làm, không có ai chỉ cho bạn điều này cả. Chính bạn phải xác định đề bài mình cần tìm hiểu là gì, và chọn lọc những tài liệu bạn cần đọc.

Đôi khi có thể là mục tiêu ngắn hạn như tôi cần biết “chính sách giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp mùa Covid có áp dụng cho doanh nghiệp của tôi không?” hoặc dự án dài hơi “đánh giá phong trào phát triển nữ quyền tại khu vực Đông Nam Á”. Mỗi mục tiêu có deadline dài ngắn, độ quy mô, tính phức tạp chủ đề cần tìm hiểu khác nhau. Do đó, hãy lên kế hoạch để phân bổ thời gian đọc, viết, chỉnh sửa, và báo cáo kết quả cho Sếp hoặc Giảng Viên phù hợp.

Đối với những mục tiêu ngắn, mình thường sẽ đọc tập trung trong vòng 1-2 tiếng để tìm thông tin giải đáp cho câu hỏi. Đối với mục tiêu dài thời gian, mình sẽ phân bổ mỗi ngày đọc tầm 20-40 phút. Và trước khi đọc mình sẽ break đề tài thành nhiều câu hỏi nhỏ để tập trung đọc và sàn lọc những thông tin có liên quan đến câu hỏi cần giải đáp.

Ví dụ: Đối với : Chính sách Hỗ Trợ Giảm Thuế cho Doanh Nghiệp Mùa Covid

  • Chính sách ban hành văn bản pháp luật nào? Thời gian hiệu lực?
  • Áp dụng cho loại thuế nào (i.e. Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế Thu Nhập Cá Nhân, hay Thuế Giá Trị Gia Tăng). Giảm thuế suất hay giảm số tiền tuyệt đối
  • Đối tượng được giảm là ai? Điều kiện là gì?
  • Doanh nghiệp của tôi thuộc trường hợp giảm thuế nào? Cần làm thủ tục gì?
  • Có thể đối chiếu hoặc bổ sung với nguồn thông tin tin cậy nào khác?

Ví dụ: Đối với : Đánh giá phong trào phát triển nữ quyền tại khu vực Đông Nam Á

  • Định nghĩa phong trào nữ quyền?
  • Gồm hình thức nào? Ai là những nhân vật tiêu biểu?
  • Các giai đoạn phát triển phong trào nữ quyền?
  • Phong trào nữ quyền ở Việt Nam giống và khác các quốc gia Đông Nam Á khác như thế nào,v…v…

Sau này, chính những câu hỏi này sẽ giúp các bạn structure bài báo cáo một cách mạch lạc và có trọng tâm.

B2: Đọc thông tin chi tiết

Khi đọc thông tin chi tiết, cố gắng đọc nhanh liên tục đừng bị gián đoạn để tra nghĩa của từ mới hoặc từ nguyên ngành. Khi đọc hãy nhớ về những câu hỏi mình đặt ra ban đầu để tìm kiếm thông tin có liên quan hoặc kiểm tra xem thông tin chi tiết có khác với dự đoán ban đầu của mình không. Để giúp việc đọc nhanh, các bạn có thể tạo một số quy tắc để ghi chú nhanh. Đừng tạo quá nhiều quy tắc, dẫn đến sử dụng trộn lẫn, khó phân biệt các ý cần quan tâm. Bên dưới là bộ quy tắc của mình:

??? Đoạn này mình không hiểu
!!! Thông tin gây ngạc nhiên
*** Thông tin quan trọng
Đóng khung từ: Từ quan trọng/ Key word/ Ý chính
Khoanh tròn từ: Từ vựng chưa hiểu
Gạch chân: Thông tin chi tiết giải thích cho ý chính

Sau khi đọc 1 lượt nhanh và đánh dấu theo quy tắc trên, có thể đọc lại lần nữa kỹ hơn và tra cứu những từ vựng, hoặc thông tin chưa hiểu.

B3: Tóm Tắt

Mình đã thấy rất nhiều lần khi tóm tắt hầu hết mọi người sẽ copy và paste những diễn giải của bài đọc. Đó là lời văn của tác giả, không phải của bạn. Văn phong của mỗi người sẽ khác nhau. Nếu bạn dùng văn phong của người khác để diễn đạt sẽ rất dễ bị nói ngượng và lắp bắp. Hãy cố gắng dùng ngôn ngữ văn phong của bản thân để tóm tắt sẽ giúp bạn nhớ vấn đề lâu hơn. Ngoài ra, khi mình học thạc sĩ tại Đức, các giáo sư đều bắt sinh viên phải tóm tắt chỉ trong 1 câu duy nhất. Ban đầu mình gặp khó khăn và cảm thấy không thể nào tóm tắt nội dung nhiều như vậy chỉ trong 1 câu được. Nhưng sau một thời gian trải nghiệm, mình thấy cách này rất hiệu quả đặc biệt cho quá trình làm slide thuyết trình hoặc báo cáo cho Sếp sau này. Những câu tóm tắt này sẽ chính là Heading của Slide hoặc Email. Hãy tưởng tượng một ngày nào đó mình lên vị trí Sếp cấp cao rất bận rộn, nếu như nhân viên có thể diễn đạt thẳng trọng tâm vấn đề ngắn gọn, súc tích, mình sẽ cảm thấy appreciate biết bao nhiêu. Vậy nên, hãy làm điều này để luyện khả năng diễn đạt có trọng tâm, rõ ràng, nhằm tiết kiệm thời gian cho Sếp và giải quyết vấn đề hiệu quả nhé.

B4: Reflection

Cá nhân mình đánh giá đây là bước quan trọng nhất để bạn tạo ra sự khác biệt – Hiểu Sâu và Nhớ Lâu vấn đề hơn. Mình có tham gia một khóa học online của University of Pennsylvania, có ba cách Reflection rất hay mà mình muốn chia sẻ với các bạn.

  • Text to Self: Đó là tự hỏi bản thân những nội dung bạn vừa đọc có mối liên kết với cuộc sống bản thân bạn như thế nào?
  • Text to Text: Kiểm tra nội dung này có khiến bạn liên tưởng đến tài liệu khác mà bạn đã từng đọc hoặc nghe trước đây không. Đây là cách tuyệt vời giúp bạn xâu chuỗi các thông tin từ các nguồn lại với nhau. Tuyệt hơn nữa là sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều khi phải viết tiểu luận, luận án thạc sĩ, tiến sĩ.
  • Text to World: Nội dung bài đọc có liên kết như thế nào đến cộng đồng địa phương nơi bạn sinh sống, đất nước của bạn hoặc khu vực trên thế giới bạn đang quan tâm.

Mình rất thích cách tiếp cận vấn đề bằng Reflection như thế này. Nó giúp mình giải đáp khúc mắc bấy lâu nay trong việc phát triển suy nghĩ bản thân về bài đọc, là một bước luyện critical thinking. Nếu như trước đây mình chỉ đọc một cách bị động chỉ để tiếp nhận thông tin, thì Reflection giúp mình chủ động nhìn nhận góc nhìn của tác giả bài đọc, phản ánh liên kết với góc nhìn cá nhân mình, giúp mình quen dần với việc đưa ra quan điểm bản thân, hiểu sâu và nhớ lâu vấn đề hơn.

3. Sharing quan điểm của bạn

Ban đầu mình định đặt mục Sharing ở bước thứ 5. Tuy nhiên vì tính chất đặc biệt của Sharing mà mình muốn dành hẳn một mục riêng cho nó. Mình lập The Sharing Town với mong mốn là trước hết là giúp bản thân hoàn thiện làm chủ kiến thức, cuộc sống tốt hơn, và đồng thời kết nối với những người like-minded. Thông qua quá trình soạn bài viết, làm video, mình có thể hệ thống xâu chuỗi lại những kiến thức và trải nghiệm của mình một cách rõ ràng và rèn luyện tư duy có chiều sâu hơn. Mình rất vui vì The Sharing Town ít nhiều được sự quan tâm của các bạn đọc giả. Mình nhận được lời mời kết nối trên Linkedin, Facebook và có cơ hội trò chuyện với những người bạn mới tài giỏi và thú vị. Điều này là động lực rất lớn đối với mình. Mình cười nhiều hơn, hạnh phúc hơn vì mình cảm nhận mình đang trở thành 1 công dân tích cực và hữu ích cho cộng đồng. Mỗi một người trong chúng ta có những cách sharing khác nhau. Có thể là viết blog, hay làm speaker, hay tham gia workshop, hoặc đơn giản comment, chia sẻ những nhận xét của bạn cũng đóng góp giá trị cho sự phát triển của nhau. Hãy cùng chung tay chia sẻ và hỗ trợ nhau phát triển và hoàn thiện hơn nhé!