Tiếp theo bài viết "Khác biệt khi làm Tax Manager tại in-house và professional company" nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn , mình chia sẻ thêm 1 chủ đề khác mà ai đi làm đều gặp qua. Nếu bạn làm Manager, bạn sẽ "lead" các bạn nhân viên dưới cấp, ví dụ Associate/ Senior/ Executive/ Specialist/ Assistant Manager. Trong phạm vi bài viết này, mình gọi chung các nhân viên cấp dưới là Associate. Nhiệm vụ của Manager sẽ khác nhau tùy theo chiến lược quản lý của mỗi công ty, tuy nhiên thường sẽ gồm 2 khía cạnh chính là technical review - kiểm tra tính chuyên môn và management task - quản lý nhân viên của mình. Vậy nên, theo quan niệm phổ biến hiện tại Manager sẽ là người dẫn dắt và là mentor cho các bạn nhân viên cấp dưới.
Cá nhân mình, quan niệm ấy đúng nhưng chưa đủ, bởi Manager cũng học hỏi được rất nhiều từ các nhân viên dưới cấp. Dù vị trí của bạn là gì, chúng ta không ai hoàn hảo cả, phát triển và hoàn thiện bản thân luôn là một quá trình liên tục. Đứng ở vị trí Associate, chắc chắc sẽ có những yêu cầu mong muốn nhất định với cấp trên của mình, và ngược lại. Những mong muốn này không phải lúc nào cũng được đáp ứng, dẫn đến thất vọng, chán nản, hay ấm ức là chuyện không thể tránh khỏi. Trước khi làm Manager, mình cũng từng làm nhân viên cấp dưới, vì vậy mình muốn chia sẻ 1 góc nhìn khác “Những điều mà Manager có thể học hỏi từ các nhân viên cấp dưới của mình”. Từ đó, dù bạn là Manager hay Associate, thì bạn cũng đang đóng góp vào sự phát triển để trở thành một phiên bản tốt hơn của đối phương. Hãy cùng nhau trưởng thành và hoàn thiện bản thân hơn nhé!
1. Giỏi công nghệ
Ở thời của mình khi mới tốt nghiệp, ai biết sử dụng bộ Microsoft Office được xem là khá pro rồi và có thể ghi điểm với cấp trên nhờ vào việc chuẩn bị thành thục những báo cáo bằng word, powerpoint hay working paper bằng excel. Bây giờ công nghệ tiến nhanh vượt bậc, thời đại mà làm việc online trở thành xu hướng toàn cầu, làm chủ những công cụ IT để tăng nâng suất công việc, giảm thiểu những sai sót thủ công đóng vai trò rất quan trọng. Các bạn trẻ đặc biệt nhạy bén trong việc ứng dụng IT vào công việc, ví dụ, thiết lập meeting online, viết macro chạy công thức tính toán tự động, áp dụng Power BI để làm báo cáo, sử dụng Power Query/ SQL để phân tích dữ liệu, hay những kỹ năng giải trí khác như chụp hình, quay video rất đẹp và trendy - cái này mình đặc biệt thích 😉 Mình nghĩ rằng Manager có thể tranh thủ học bí kíp từ các bạn Associate trong lĩnh vực công nghệ này để quản lý công việc hiệu quả và cuộc sống nhiều sắc màu hơn.
Những công cụ IT mà bây giờ chỉ là “nice to have”, nhưng mấy năm sau sẽ trở thành “must to have”. Ví dụ điển hình là Microsoft Office, bây giờ ai mà không biết sử dụng thì chắc chắn sẽ rất stress và bất lực khi đồng nghiệp chỉ cần 2 tiếng vèo vèo đã xong việc, nhưng mình thì tốn cả buổi chiều nhưng báo cáo vẫn sai tới sai lui.
2. Tự tin nói lên quan điểm của mình
Phương pháp giáo dục tại trường và định hướng xã hội mà các bạn thế hệ 9X và Gen Z tiếp cận có phần khác biệt với thế hệ đi trước. Chương trình đại học hướng đến thuyết trình ý tưởng, trao đổi phản biện, từ đó rèn luyện cho các bạn thói quen cởi mở hơn trong giao tiếp và tự tin trình bày quan điểm của bản thân. Đây là một điểm mình nhận thấy từ các nhân viên cấp dưới của mình và lấy đó làm động lực để speak up khi cần thiết cũng như luyện tập thói quen để lắng nghe các bạn tốt hơn. Khi làm Manager, dĩ nhiên có nhiều việc mình đã rất quen thuộc, đôi khi các bạn nhân viên cấp dưới chưa nói hết, mình có thể đoán được các bạn chuẩn bị đề cập đến vấn đề gì và nghĩ xong solution rồi. Nhưng mình phát hiện, khi nhẫn nại nghe hết ý tưởng của các bạn, sẽ có cơ hội phát hiện ra 1 cách tiếp cận hoàn toàn mới. Rất "fresh", rất thú vị! Mình không phủ nhận, nhiều lúc, các ý tưởng được trình bày khá rời rạc, đang nói về vấn đề này, các bạn chuyển sang chủ đề khác, do sự nhiệt tình háo hức cao độ dẫn đến nhiều "emotion" đan xen với "fact". Những lúc như vậy, mình cảm thấy não mình đang hoạt động tần sóng cao nhất, phân tích, tách lọc những thông tin nào liên quan, sắp xếp tổ chức lại ý tưởng, hệ thống lại để suy xét vấn đề từ góc nhìn của Associate, từ góc nhìn của mình và từ góc nhìn công ty. Và mình đã và đang tập nói chậm lại nhằm hạn chế cắt ngang khi các bạn đang trình bày.
3. Năng lượng tươi trẻ và sự khác biệt
Mình cảm nhận các bạn trẻ có nhận thức khá sớm về việc định vị thương hiệu bản thân và muốn khác biệt, hay cấp cao hơn là "being unique". Dễ nhận ra nhất là xu hướng thời trang, ngoài việc trendy, còn phải thể hiện được gưu cá nhân. Bạn không muốn bị trùng lắp. Trong công việc, mình cũng cảm nhận được năng lượng này từ các bạn nhân viên cấp dưới. Cá nhân mình thấy đây là một năng lượng tích cực, bởi các bạn biết cá tính của bản thân mình là gì, và tự tin nhấn mạnh cá tính riêng này thay vì đồng hóa theo cái chung, hoặc mạnh dạn thay đổi nhiều cách tiếp cận khác nhau để chọn ra cái riêng duy nhất mà chỉ các bạn mới có. Các bạn giúp mình more open minded với sự khác biệt và sự thay đổi. Bản thân mình càng lớn, mình sợ nhiều thứ, sợ đánh đổi, sợ mất mát. Làm việc với các bạn trẻ giúp mình cảm nhận năng lượng của các bạn và bớt "sợ" nhiều thứ hơn.
Ở trên là top 3 những điều mà mình là Manager học được từ các bạn nhân viên cấp dưới . Hy vọng dù bạn là ai, cũng hiểu rằng bản thân mình luôn đóng góp một giá trị nhất định vào sự trưởng thành của đối phương. Have a nice weekend, các bạn nhé!