Cách đây hơn 10 năm, nghề tư vấn thuế vẫn là một khái niệm còn khá xa lạ với nhiều người trong khi ngành kiểm toán lại là một trong những ngành hot thu hút sự chú ý của các sinh viên. Điển hình, Trường Đại Học Kinh Tế Tp. HCM ("UEH") đã có một chuyên ngành dành riêng cho Kiểm Toán. Các bạn sinh viên muốn làm Kiểm Toán Viên thường sẽ xác định mục tiêu nghề nghiệp từ rất sớm, bởi đa phần sau 1,5 năm giai đoạn đại cương, các bạn sẽ nộp đơn vào chuyên ngành Kiểm Toán. Riêng đối Tư Vấn Thuế, mãi đến năm 2018, thì trường ("UEH") tiên phong mở thêm 1 chuyên ngành mới hoàn toàn "Thuế trong kinh doanh". Đây là một điểm the ST đánh giá rất cao sự nhạy bén của trường UEH khi nhanh chóng điều chỉnh chương trình đào tạo để đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu tuyển dụng của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và Quốc Tế. The ST đến với ngành thuế cũng hết sức tình cờ vì thời điểm đó chưa có sinh viên nào được đào tạo chuyên môn về thuế cả, nên các doanh nghiệp big4 thường sẽ thu hút các sinh viên có thành tích học tập cao từ các trường đại học nổi tiếng trong nước, sau đó sẽ đào tạo lại chuyên môn thuế theo hình thức "training on job". Sau hơn một thập kỷ làm việc trong lĩnh vực Tư Vấn Thuế, the ST cảm thấy vui vì đã chọn đúng con đường phù hợp với cá tính và sở trường bản thân. Sau đây, mình sẽ chia sẻ 5 nguyên nhân tại sao the ST lại chọn thuế thay vì kiểm toán. Các bạn nào quan tâm có thể tham khảo thêm trước khi dấn thân vào sự nghiệp tư vấn thuế giống the ST nhé!
1. Ít phải di chuyển xa
Các bạn nào có anh chị hoặc người quen làm Kiểm Toán Viên sẽ dễ dàng nhận ra đặc trưng công việc của Kiểm Toán Viên là sẽ thường xuyên đi công tác "fieldwork trip" đến công ty khách hàng ở khu công nghiệp hoặc các tỉnh xa. Do thể trạng cá nhân hay bị say xe, nên việc phải đi fieldwork thường xuyên sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mình.
Ngoài ra, nếu muốn tham gia khóa học bổ trợ kỹ năng mềm như Tiếng Anh, Tin Học, hoạt động thể thao, nghệ thuật vào buổi tối, thì việc phải đi công tác tỉnh thường xuyên sẽ giới hạn phần nào lịch học của mình.
2. Phù hợp với cá tính đề cao sự tuân thủ, tinh thần yêu thích học tập
Gần đây khi tham gia những buổi tư vấn hướng nghiệp cho các bạn học sinh sinh viên, the ST rất vui vì trường học, thầy cô giáo đã chuẩn bị cho học sinh sinh viên làm các trắc nghiệm về tính cách, từ đó định hướng những ngành nghề phù hợp với tính cách sẵn có này. Đây là một cách tiếp cận rất tiến bộ giúp các bạn có thể phát huy được thế mạnh nội tại của bản thân trong nghề nghiệp tương lai. Thời mà the ST còn học đại học, những trắc nghiệm như thế này chưa được phổ biến rộng rãi, đa phần chọn nghề theo lời tư vấn của gia đình, anh chị đi trước hoặc đứa bạn thân học gì thì mình vào học chung cho vui :)). Vì vậy, các bạn sinh viên hãy trân trọng những nguồn thông tin dồi dào này và chọn lựa hướng đi phù hợp cho bản thân nhé.
Riêng the ST, mình làm trắc nghiệm tính cách sau khi đã làm việc tại big4 một thời gian, tuy là tại thời điểm chọn nghề mình chưa biết chính xác cá tính của bản thân, nhưng cảm nhận của mình cũng hoàn toàn phù hợp. Bởi trong suốt quá trình học tập, the ST quan tâm nhiều đến nguyên tắc và quy luật trường, của cộng đồng và mình thuộc tuýp "tuân thủ cao". Đồng thời mình thích nghiên cứu, đã tham gia nhiều dự án nghiên cứu học thuật tại trường đại học, đây là một thuận lợi lớn giúp mình nhẫn nại đào sâu phân tích quy định về thuế. Ngoài ra, mình rất thích ghi chú để hệ thống lại những kiến thức mình học một cách ngắn gọn, dễ tra cứu lại khi cần. Mình nghĩ đây là điểm các bạn học luật quan tâm nếu muốn đạt kết quả thi cao.
3. Sắp xếp thời gian cho cuộc sống cá nhân và công việc một cách chủ động và ổn định hơn
"Mùa kiểm toán" luôn là nỗi ám ảnh với nhiều người trong đó có mình. Các bạn kiểm toán gần như ăn ngủ tại công ty khi tới mùa kiểm toán là chuyện hết sức bình thường. Áp lực thời gian đòi hỏi các bạn kiểm toán phải có sức khỏe rất tốt. Đây không phải là điểm mạnh của mình. Mình muốn có một thời gian biểu điều độ và mình có thể chủ động quản lý phân bổ thời gian cho nhiều hoạt động khác nhau hơn.
4. Triển vọng phát triển của nghề Tư Vấn Thuế cao
Thời sinh viên the ST chưa biết nhiều anh chị trong nghề, cũng như không có cơ hội đọc các báo cáo triển vọng nghề nghiệp để phân tích cụ thể. Suy nghĩ ban đầu của the ST là công ty nào cũng có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước vậy thì nhất định công ty nào cũng cần tư vấn thuế rồi. Như vậy, nhu cầu tuyển dụng cao thì mình không sợ thất nghiệp. Tư vấn thuế là ngành có tính chuyên môn rất cao, không phải ai cũng có thời gian để tự tìm hiểu và được đào tạo bài bản về thuế. Nếu giỏi trong lĩnh vực này chắc chắn kiến thức của mình sẽ hữu ích và có thể nuôi sống bản thân được. Bật mí nhỏ là vị trí Tư Vấn Thuế tại big 4 thường sẽ có mức lương cao hơn so với các bạn Kiểm Toán Viên. Tuy nhiên, áp lực công việc của Tư Vấn Thuế cũng không ít, vì Kiểm toán chỉ có 1 mùa bận trong năm, nhưng Thuế ngoài 1 mùa rất bận là thời điểm quyết toán thuế tháng 3, các tháng khác cũng sẽ bận đều đều. Nếu các bạn hỗ trợ khách hàng làm Tax Audit, sẽ phải làm việc với cán bộ cơ quan thuế, phải giải đáp những challenge từ cơ quan thuế trong một thời gian rất ngắn, đồng thời giữ thái độ hòa nhã và giao tiếp cẩn trọng. Vì vậy rất nhiều nhân viên tư vấn thuế bị stress cao độ khi xử lý những case Tax Audit của các tập đoàn đa quốc gia lớn, với số tiền thuế lên tới hàng trăm tỷ VND.
5. Bạn là quan trọng trong các strategy của công ty
Nếu như trước đây nhân viên phụ trách thuế là người tiếp cận thông tin sau cùng khi mà số liệu kế toán đã hoàn chỉnh, nhằm mục đích xác định số thuế phải nộp. Ngày nay, nhu cầu kinh doanh toàn cầu ngày càng mở rộng, các công ty đều xây dựng những chiến lược kinh doanh để tận dụng lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị phần và phát triển doanh số không chỉ trong nội địa mà còn vươn sang các châu lục khác. Trước khi thi hành các chiến lược, ban giám đốc công ty đều cần ý kiến của Tư Vấn Thuế để xác định rõ những rủi ro về thuế nhằm điều chỉnh chiến lược phù hợp với quy định thuế nội địa và thuế quốc tế, bởi công ty càng lớn, càng đề cao tính tuân thủ đế tránh ảnh hưởng xấu đến thương hiệu kinh doanh.